Pin sử dụng giấy vụn làm nhiên liệu
1:26 CH,23/12/2011
Tập đoàn điện tử Sony vừa giới thiệu một mẫu pin sinh học sử dụng giấy làm nguồn cung cấp nhiên liệu. Công nghệ này tạo ra điện năng bằng cách sử dụng các en-zym để chuyển đổi các mảnh giấy cắt nhỏ thành một loại đường glucose làm nhiên liệu phát điện cho bộ pin.  
                    
     Tại cuộc triển lãm Eco-Products đang được tổ chức tại Tokyo, các nhân viên của Sony đã mời các em bé tới tham quan thả các mảnh giấy và bìa cứng vào một dung dịch nước và en-zym, và lắc đều hỗn hợp này. Sau đó hỗn hợp này sẽ được cho vào một thiết bị nối với một chiếc quạt nhỏ. Sau đó vài phút, chiếc quạt này bắt đầu chạy.
      Công nghệ pin mới của Sony sử dụng các en-zym cellulase để phân hủy các vật liệu thành đường glucose. Sau đó, đường glucose sẽ kết hợp với ô-xy và các en-zym khác để chuyển vật liệu thành các điện tử và ion hydrogen. Các điện tử sau đó sẽ được bộ pin sử dụng để tạo ra điện năng. Quá trình này khi hoàn tất tạo ra các phụ phẩm là nước và acid gluconolactone, chất thường được sử dụng trong ngành mỹ phẩm.
      Các nhà khoa học tham gia dự án cho biết nguyên lý hoạt động của công nghệ pin sinh học của họ cũng tương tự như cách mà loài kiến trắng và mối ăn các loại gỗ và biến chúng thành năng lượng.
      Ông Yuichi Tokia, nhà nghiên cứu cao cấp tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Vật liệu Tiên tiến của Sony nói: “Chỉ cần sử dụng những “nhiên liệu” đơn giản là những tấm thiệp chúc mừng cũ, bộ pin nhiên liệu này có thể tạo ra một lượng điện đủ cho một chiếc quạt nhỏ”.
      Nếu được đưa ra thị trường, sáng chế này có thể giúp người dùng sạc đầy các bộ pin điện thoại di động của họ mà chỉ cần sử dụng các loại nguyên liệu phế thải. Nhóm nghiên cứu thực hiện dự án này cho biết công nghệ pin sinh học của họ rất thân thiện với môi trường bởi nó không sử dụng các loại vật liệu kim loại hay hóa học độc hại.
      Năm 2009, một nhóm nghiên cứu của trường DDH Stanford cũng đã tiết lộ họ đang nghiên cứu chế tạo một loại pin sử dụng các tấm giấy được phủ bằng một loại mực được tạo ra từ các ống carbon nano và dây bạc nano. Nếu thành công, họ có thể tạo ra một loại pin có độ bền cao, có thể chịu được tới 40 nghìn lần sạc.

 

Nguồn: "Báo NDĐT online", 23/12/2011

 

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn