Tập huấn kỹ thuật chuyển đổi mô hình nương rẫy thành mô hình nông lâm kết hợp tại một số tỉnh vùng Tây Bắc
3:31 CH,19/09/2016

Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu chuyển đổi mô hình canh tác nương rẫy thành mô hình nông lâm kết hợp góp phần canh tác đất dốc bền vững tại một số tỉnh vùng Tây Bắc”, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chuyển đổi mô hình nương rẫy thành mô hình nông lâm kết hợp tại bản Hua Nặm, xã Nặm Păm và xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Canh tác nương rẫy là một phần không thể thiếu trong sinh kế của nhiều cộng đồng vùng cao với các loại cây trồng ngắn ngày như ngô, khoai, sắn, lúa nương được canh tác theo các phương thức truyền thống nên năng suất thấp và thiếu tính bền vững. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện sinh kế người dân và duy trì sự bền vững của hệ sinh thái thì việc cải tiến, chuyển đổi mô hình canh tác nương rẫy thành mô hình Nông lâm kết hợp (NLKH) có tính ổn định, hiệu quả cao và bền vững hơn là đòi hỏi tất yếu, phù hợp với xu hướng và tiến bộ xã hội.

Nghiên cứu áp dụng các mô hình canh tác NLKH, kỹ thuật canh tác trên đất dốc (SALT) phù hợp với điều kiện từng vùng, tiểu vùng để chuyển đổi mô hình canh tác nương rẫy kém hiệu quả và thiếu tính bền vững trên nền tảng thực vật cho lâm sản ngoài gỗ, nhằm lồng ghép sinh kế và an toàn lương thực của người dân vùng hồ thủy điện Sơn La với bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, đất rừng. Trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu chuyển đổi mô hình canh tác nương rẫy thành mô hình nông lâm kết hợp góp phần canh tác đất dốc bền vững tại một số tỉnh vùng Tây Bắc”, nhóm nghiên cứu có phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về kỹ thuật chuyển đổi mô hình canh tác nương rẫy thành mô hình NLKH góp phần canh tác đất dốc hiệu quả và bền vững tại một số tỉnh vùng Tây Bắc. Lớp tập huấn đã trao đổi nội dung: (i) Kỹ thuật chuyển đổi mô hình canh tác nương rẫy thành mô hình NLKH; (ii) Kỹ thuật nhân giống và trồng cây Mấp nếp quanh vườn nhà và dưới tán rừng; (iii) Kỹ thuật nhân giống và trồng một số loài Keo; (iv) Kỹ thuật trồng thâm canh cây Trám trắng; (v) Kỹ thuật gieo trồng một số cây họ đậu cải tạo đất...

Tại buổi tập huấn, các thành viên tham gia đề tài cùng người dân đã có những trao đổi rất cởi mở. Đa số người dân được hỏi đều mong muốn được chuyển đổi sang các hình thức canh tác NLKH hiệu quả và bền vững hơn, thay vì độc canh canh ngô, trong khi đó năng suất cây ngô đang giảm dần qua các vụ, thậm chí nhiều diện tích còn không cho thu.

Thay mặt UBND xã, Ông Tòng Văn Pùa, Phó Chủ tịch xã cảm ơn nhóm thực hiện đề tài, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã hỗ trợ và tổ chức lớp tập huấn cho người dân xây dựng mô hình NLKH chuyển đổi từ mô hình canh tác nương rẫy tại địa phương. Mô hình được coi là mô hình điểm về chuyển đổi đất nương rẫy độc canh một loại cây trồng ngắn ngay sang các mô hình NLKH cho hiệu quả cao và bền vững hơn. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức cũng như hoạt động canh tác đất dốc của người dân theo hướng bền vững cả về xã hội, kinh tế và môi trường sinh thái.

Nguồn:  Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn