Nghiên cứu tái sinh in vitro và tạo cây ca cao (Theobroma cacao L.) chuyển gene
4:22 CH,13/09/2016

Từ mục tiêu nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau:

Đã khảo sát khả năng hình thành mô sẹo, phôi soma sơ cấp, phôi soma thứ cấp, khả năng tạo chồi, ra rễ và tái sinh cây in vitro của 9 dòng ca cao thương mại và có triển vọng thương mại ở Việt Nam từ nguồn vật liệu ban đầu là nhị lép, cánh hoa ca cao. Trong đó mô sẹo, phôi soma sơ cấp của các dòng ca cao TD1, TD3, TD7, TD8 và TD9 đã được tái sinh thành công từ nhị lép/cánh hoa với tỷ lệ tạo phôi soma sơ cấp dao động từ 2,6-44,0%. Trong đó dòng TD8 có tỷ lệ tạo phôi soma từ nhị lép cao nhất đạt 44,0%. Phôi soma thứ cấp từ 5 dòng ca cao TD1, TD3, TD5, TD7, TD8 đã được tái sinh thành công với tỷ lệ tạo phôi từ trục mầm với lá mầm dao động từ 5,0-48,5%. Cây ca cao dòng TD1, TD3, TD5, TD7, TD8 và TD9 đã được tái sinh hoàn chỉnh và trồng ngoài nhà lưới.

Gen mã hóa chitinase TcChil với các kích thước khác nhau (vùng mang mã có kèm và không kèm vùng 5’ và 3’) đã được phân lập thành công từ hệ gen của cây ca cao và đã được đăng ký trên Ngân hàng gen quốc tế với mã số KF268030 và được sử dụng để tạo các vector biểu hiện thực vật.

Gen GUS/GUSPlus đã được chuyển vào dòng ca cao thương mại TD8 thông qua ca cao mang gen chỉ thị GUSPlus. Hiệu quả chuyển gen ở giai đoạn kiểm tra bằng PCR dao động từ 0-1,4%. Gen mã hóa chitinase TcChil-1/TcChil-U đã được chuyển vào dòng ca cao thương mại TD8. Đã thu được 2 dòng ca cao TD8 chuyển gen mang gen mã hóa chitinase TcChil ở thế hệ T0 TD8/pCB/TcChi1/2 và TD8/pCB/TcChi1/3. Hiệu quả chuyển gen ở giai đoạn kiểm tra bằng lai Southern dao động từ 0-0,5%. Từ kết quả này, nhóm đề tài đã hoàn thiện được quy trình chuyển gen chỉ thị và gen đích vào phôi soma sơ cấp của dòng ca cao thương mại TD8.

Có thể thấy, việc phân lập thành công được gen kháng nấm và tạo được các vector biểu hiện thực vật sẽ làm cơ sở cho các nghiên cứu chuyển gen thực vật để tạo ra giống cây trồng có những tính trạng mới. Đồng thời đây là khâu đầu tiên mang tính quyết định đột phá cho toàn bộ hướng nghiên cứu công nghệ gen thực vật. Tái sinh in vitro được các dòng ca cao giá trị đang được canh tác ở Việt Nam. Chuyển được gen mong muốn vào cây cao cao. Những kết quả tái sinh in vitro và chuyển gen này thuộc công trình đầu tiên được công bố trên đối tượng cây cao cao ở Việt Nam.

Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và chọn tạo giống cây trồng là một xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, đặc biệt trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, để có thể đảm bảo cho việc phát triển một nên nông nghiệp bền vững, chúng ta phải làm chủ được các công nghệ gen thực vật, đặc biệt là các công nghệ mới. Do đó, đề tài đã góp phần đưa công nghệ gen vào đời sống, góp phần định hướng nghiên cứu tạo ta hàng hóa sản phẩm có chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, định hướng vào việc nhân rộng các loại giống có chất lượng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thông qua đó góp phần vào việc bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Nguồn: most.gov.vn

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn