Bàn phẫu thuật made in Việt Nam
3:59 CH,13/09/2016

PGS. TS. Nguyễn Tấn Tiến hiện vừa là giảng viên, vừa đảm nhiệm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí của Trường ĐH. Bách khoa Tp.HCM. Nhiều đề tài nghiên cứu của ông có ý nghĩa cộng đồng như: nghiên cứu chân giả chủ động cho người tàn tật; hệ thống điều khiển nồng độ pH/EC trong nhà kính dành cho nông nghiệp, robot hàn, robot khảo sát đường ống, robot làm sạch đường ống, … Gần đây nhất, ông được Sở khoa học và công nghệ nghiệm thu đề tài Bàn phẫu thuật dùng trong y tế với mục tiêu xây dựng nhóm nghiên cứu thiết kế – chế tạo – đưa ra thị trường các thiết bị y tế có thể sản xuất tại Việt nam nhằm tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo này đã được thử nghiệm bàn mổ tại Bệnh viện 175, Bộ Quốc phòng.

PGS. TS. Nguyễn Tấn Tiến cho biết: Bàn phẫu thuật là một thiết bị y tế hỗ trợ định vị tư thế bệnh nhân trong suốt ca phẫu thuật giúp bác sĩ quan sát và thao tác. Bàn phẫu thuật gồm có 3 loại chính: điều chỉnh bằng cơ (Mechanical Operating Table): sử dụng các kết cấu cơ khí, ben hơi (gas-spring) để điều chỉnh và định vị các cơ cấu của bàn phẫu thuật. Điều khiển bằng điện-thủy lực (Electro-Hydraulic Operating Table): sử dụng các bộ điều khiển lai điện-thủy lực để thay đổi và định vị các cơ cấu của bàn phẫu thuật. Điều khiển bằng điện cơ (Electro-Mechanical Operating Table): sử dụng các bộ điều khiển điện-cơ khí để điều chỉnh, định vị bàn phẫu thuật.

Các chức năng cần thiết của bàn phẫu thuật như nghiêng lưng, nghiêng đầu, nghiêng trái phải, nghiêng dọc mặt bàn, nghiêng chân, nâng hạ mặt bàn, nâng hạ mặt bàn, các góc quay, góc nghiên, chiều cao, … phải đạt tiêu chuẩn TCVN 6733:2000 về bàn phẫu thuật đa năng. Ngoài ra bàn phẫu thuật, còn có các giá đỡ phụ để hỗ trợ định vị các tư thế của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật. Bên cạnh đó, mỗi bàn phẫu thuật đều được trang bị tay cầm để bác sĩ có thể điều khiển các tư thế của bàn phẫu thuật.

Về mặt chế tạo, bàn phẫu thuật phải đủ cứng vững đảm bảo không bị biến dạng hoặc rung lắc ở bất cứ vị trí điều chỉnh nào. Các chi tiết bằng thép không gỉ được đánh bóng. Các chi tiết bằng thép cacbon lộ ra ngoài được sơn phủ một lớp sơn bột tĩnh điện hoặc mạ niken-crom. Đế bàn phẫu thuật phải chắc chắn, đảm bảo ổn định ở mọi vị trí điều chỉnh của mặt bàn. Đế bàn được gắn bánh xe bằng vật liệu chịu mài mòn. Các khung giá đỡ phụ được lắp ráp và tháo rời khỏi bàn một cách dễ dàng thuận lợi, …

Kết cấu của mặt bàn gồm có 5 phần: đầu, lưng, đùi và 2 chân trong đó phần đầu và chân có thể tháo rời được. Để đảm bảo an toàn, các thiết bị sử dụng nguồn DC và gồm có 3 thành phần chính: Nguồn cấp, để đảm bảo ổn định cho hoạt động, toàn bộ nguồn điện dùng cho bàn phẫu thuật được cấp qua bộ lưu điện. Mạch điều khiển, gồm có bộ xử lý trung tâm và tay cầm điều khiển. Mạch công suất, cấp nguồn cho các actuator và được cách ly với mạch điều khiển. Theo phó giáo sư, một chiếc bàn chế tạo tại Việt Nam, thấp hơn 30 – 40% so với bàn phẫu thuật nhập khẩu nước ngoài cùng công năng và tương đương về chất lượng.

Hiện nay, PGS.TS Nguyễn Tấn Tiến đang nghiên cứu giường y tế đa chức năng và loại nệm chống loét dành cho bệnh nhân bệnh năng khó cử động, di chuyển …

Nguồn: Khoa học phổ thông

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn