Nhiều nghiên cứu được áp dụng vào thực tế
2:47 CH,11/08/2016

Đề án “Phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện từ năm 2010. Đến nay, đề án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thực hiện đề án, Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhằm nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong ngành Công nghiệp. Đến nay, đã có nhiều kết quả nghiên cứu đã hoàn thành, nghiệm thu và áp dụng vào thực tế. Đơn cử như đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kiểm tra đánh giá khuyết tật của cáp thép bằng phương pháp từ tính” đã đề xuất được các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và xây dựng quy trình kiểm tra đánh giá khuyết tật của cáp thép đang được sử dụng trong nhiều ngành như dầu khí, khai thác than... Từ đó, đã mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý vận hành an toàn các thiết bị có sử dụng cáp thép, tiết kiệm chi phí thay thế cáp.

Hay đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ kiểm tra không phá hủy (NDT) mới hiện đại bằng kỹ thuật dòng điện xoáy (ECT) kết hợp với kỹ thuật MFL, RFL, IRIS cho chẩn đoán hiện trạng ống công nghệ trong các hệ thống trao đổi nhiệt của nhà máy lọc hóa dầu, nhiệt điện và điện hạt nhân”. Sản phẩm của đề tài triển khai thực tế đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt và quy chuẩn nước ngoài đặt ra đối với các nhà máy và từng bước thay thế các dịch vụ kỹ thuật này phải thuê từ nước ngoài.

Đối với một máy chiếu xạ công nghiệp nguồn Cobalt-60, hệ đảo hàng trong buồng chiếu được xem là một trong những hệ thiết bị chủ yếu và cơ bản. Đến thời điểm trước khi đề tài “Nghiên cứu thiết kế thử nghiệm hệ đảo hàng cho máy chiếu xạ công nghiệp nguồn Cobalt-60” được thực hiện, ở nước ta chưa có nơi nào thiết kế chế tạo hệ đảo hàng cho máy chiếu xạ. Kết quả đề tài cho thấy, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong nước có thể tính toán, thiết kế và chế tạo hệ thống đảo hàng dạng thùng nói riêng và máy chiếu xạ công nghiệp nguồn Cobalt-60 nói chung mà vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và an toàn bức xạ so với hàng nhập ngoại.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu của đề án sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng lĩnh vực ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế - kỹ thuật; nghiên cứu, đầu tư cơ sở kỹ thuật nhằm sản xuất trong nước một số máy móc chuyên dụng như: Máy phát tia X, máy phát nơ-tron, máy gia tốc điện tử tuyến tính năng lượng vài trăm đến vài nghìn KeV, các thiết bị hạt nhân sử dụng trong ngành khai thác than, sản xuất vật liệu xi măng, công nghiệp giấy; phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ trong lĩnh vực chế tạo vật liệu mới, vật liệu bán dẫn, vật liệu hấp thu năng lượng mặt trời…

Tuy nhiên, theo Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, quá trình triển khai đề án trong thời gian qua cũng gặp một số khó khăn như hệ thống pháp lý hỗ trợ các hoạt động triển khai lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp chưa đầy đủ. Việc ứng dụng và triển khai kết quả nghiên cứu tại các cơ sở công nghiệp còn hạn chế do đây là lĩnh vực mới ở Việt Nam, các cơ sở công nghiệp chưa có điều kiện áp dụng kỹ thuật hạt nhân tiên tiến vào sản xuất. Cơ chế tài chính hỗ trợ việc tiếp cận và chuyển giao công nghệ kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp chưa đáp ứng được thực tế. Vụ này kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần tăng cường đẩy mạnh công tác xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và hỗ trợ các bộ, ngành xây dựng hoàn thiện các quy chuẩn áp dụng trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân ứng dụng trong công nghiệp.

Nguồn: Báo Công thương, ngày 11/8/2016.


Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn