Cơ hội để thương hiệu chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai) vươn xa trên thị trường
4:46 CH,09/08/2016

Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2350/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00048 cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh. Đây là sản phẩm thứ 2 của tỉnh Đồng Nai được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sau sản phẩm bưởi Tân Triều.

Theo quyết định bảo hộ này, 2 sản phẩm chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc được trồng tại các xã: Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (TX Long Khánh); Xuân Ðịnh, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất); xã Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) được bảo quản, đóng gói tại các khu vực gồm: TX Long Khánh và các huyện: Xuân Lộc, Thống Nhất và Cẩm Mỹ mới được mang danh là chôm chôm Long Khánh. Đó là khu vực địa lý có các điều kiện tự nhiên đặc thù, như: địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng là các yếu tố tạo nên chất lượng của chôm chôm Long Khánh.

Chôm chôm nhãn Long Khánh có vỏ màu xanh, vàng cam và vàng đỏ, mùi thơm, vị giòn và ngọt. Các chỉ tiêu chất lượng đặc trưng của chôm chôm Long Khánh là: trọng lượng quả từ 23,15 đến 30,32 g/quả, chiều dài quả từ 38,09 đến 43,13 mm, đường kính quả từ 32,85 đến 35,66 mm, độ dày vỏ từ 02,86 đến 03,94 mm, độ dày cùi từ 06,11 đến 07,44 mm, khối lượng cùi từ 11,32 đến 14,92 g/quả, độ Brix từ 17,91 đến 19,42%, hàm lượng nước từ 76,71 đến 81,24%, hàm lượng đường tổng số từ 11,18 đến 18,24%, hàm lượng vitamin C từ 09,74 đến 55,25 mg/100 ml.

Chôm chôm tróc Long Khánh có vỏ màu đỏ và đỏ đậm, râu dài, dầy và đuôi có đốm xanh, vị: ngọt. Các chỉ tiêu chất lượng đặc trưng của chôm chôm Long Khánh là: trọng lượng quả từ 30,17-36,26 g/quả, chiều dài quả từ 41,44 đến 45,54 mm, đường kính quả từ 35,10 đến 38,40 mm, độ dày vỏ từ 03,21 đến 04,11mm, độ dày cùi từ 06,63 đến 08,18 mm, khối lượng cùi từ 13,66 đến 17,19 g/quả, độ Brix từ 17,74 đến 19,45%, hàm lượng nước từ 76,84 đến 80,86%, hàm lượng đường tổng số từ 10,57 đến 13,68%, hàm lượng vitamin C từ 14,03 đến 52,89 mg/100 ml.

Việc được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý đã góp phần khuyến khích nông dân quan tâm đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng theo hướng an toàn, góp phần tăng sức cạnh tranh cho trái cây đặc sản này.

Chôm chôm là một trong những cây trồng chủ lực của Đồng Nai với tổng diện tích trên 11 nghìn ha và sản lượng hàng năm hơn 140 nghìn tấn. Trong đó, chôm chôm được trồng chủ yếu tại khu vực TX Long Khánh, các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ. Nhờ chất lượng trái ngon, chôm chôm Long Khánh đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Hiệp hội Trái cây Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ bình chọn vào tốp 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam. Trước đó, sản phẩm này cũng đã đăng ký thành công nhãn hiệu hàng hóa tập thể.

Theo PGS.TS Phạm Văn Sáng - Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai, để phát triển chỉ dẫn địa lý và thương hiệu chôm chôm Long Khánh, thời gian tới, Sở KH&CN Đồng Nai sẽ chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị phối hợp với địa phương và các Sở, ngành liên quan xúc tiến việc thành lập hội nhà vườn chôm chôm Long Khánh. Đồng thời, sẽ chọn một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh để lập hồ sơ, tiếp tục đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ xem xét cấp chứng nhận.

Theo các nhà vườn trồng chôm chôm ở khu vực Long Khánh, so về hiệu quả kinh tế thì trên cùng một đơn vị diện tích, 2 sản phẩm chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn (là 2 sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý) hiện tại không cao bằng cây chôm chôm Thái Lan. Vì vậy, không ít nhà vườn đang có ý định chặt bỏ 2 loại chôm chôm trên để chuyển qua trồng chôm chôm Thái Lan. Đây đang nỗi lo và thách thức không nhỏ cho việc duy trì diện tích cây chôm chôm truyền thống của địa phương.

Nguồn: Sở KH&CN Đồng Nai, ngày 8/8/2016.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn