Đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh dự án Thử nghiệm phân viên nén NPK nhả chậm trên một số cây trồng (lúa, ngô, mía) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
3:40 CH,28/07/2016

Vừa qua, Sở KH&CN Tuyên Quang phối hợp với Tiểu ban chuyên ngành thuộc Hội đồng KH&CN tỉnh tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án KH&CN cấp tỉnh “Thử nghiệm phân viên nén NPK nhả chậm trên một số cây trồng (lúa, ngô, mía) tại tỉnh Tuyên Quang” do KS Nguyễn Thị Kim - Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang làm chủ nhiệm.


Mục tiêu của dự án là lựa chọn, thử nghiệm phân viên nén NPK nhả chậm trên một số cây trồng (lúa, ngô, mía) nhằm đánh giá được hiệu quả của phân viên nhả chậm NPK trên từng loại cây trồng, làm cơ sở để từng bước đưa tiến bộ kỹ thuật về phân bón vào sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, xã hội và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện (tháng 1.2015-6.2016), đơn vị chủ trì đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu như: điều tra, đánh giá tình hình sử dụng phân viên nhả chậm và phân viên nén dúi sâu NK trên cây lúa, cây ngô, cây mía tại 2 huyện Yên Sơn, Hàm Yên; Mở 12 lớp tập huấn với 480 lượt cán bộ khuyến nông cơ sở và các hộ nông dân tại các xã thực hiện dự án; Xây dựng 12 ha mô hình sử dụng phân viên nén NPK nhả chậm trên cây lúa, ngô, mía tại 4 xã thuộc 2 huyện Yên Sơn và Hàm Yên... Qua việc đánh giá thực trạng và triển khai xây dựng các mô hình sử dụng phân viên nén NPK mang lại hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân viên nén NPK nhả chậm  trên 3 loại cây trồng (ngô, lúa, mía) .

Qua đánh giá kết quả các mô hình của dự án đã cho thấy hiệu quả tích cực. Cụ thể là: Mô hình lúa vụ xuân: năng suất thực thu của mô hình sử dụng phân viên nén nhả chậm (NPK) đạt 66,7 tạ/ha (so với 66,4 tạ/ha của NK và 56,9 tạ/ha của phân đơn). Vụ mùa: năng suất thực thu đạt 66,2 tạ/ha (so với 63,7 tạ/ha NK và 56,6 tạ/ha của phân đơn). Năng suất trung bình cả vụ xuân, vụ mùa của mô hình lúa sử dụng phân NPK tăng 1,40 tạ/ha so với phân NK và tăng 9,70 tạ/ha so với phân đơn truyền thống. Mô hình ngô vụ xuân: năng suất thực thu của mô hình sử dụng phân viên nén nhả chậm (NPK) đạt 64,6 tạ/ha (so với 53,7 tạ/ha NK). Vụ mùa: năng suất thực thu đạt 66,3 tạ/ha (so với 57,1 tạ/ha NK). Năng suất trung bình cả vụ xuân, vụ mùa của mô hình ngô sử dụng phân NPK cao 10 tạ/ha so với phân NK. Mô hình mía: năng suất thực thu của mô hình sử dụng phân viên nén nhả chậm (NPK) đạt 80,3 tấn/ha so với 68,6 tấn/ha (NK), tăng 11,7 tấn/ha.

Ngoài ra, dự án còn nhân rộng việc sử dụng phân viên nhả chậm NPK trên 600 ha lúa, 400 ha ngô. Trên địa bàn tỉnh, trước khi triển khai dự án mới có 1 máy ép phân viên nhả chậm, sau khi kết thúc dự án đã có 2 máy ép, nhờ đó không chỉ đáp ứng nhu cầu cung ứng cho thị trường và các hộ dân mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho người lao động.

Dự án đã được Hội đồng nhất trí và xếp dự án loại khá.

Nguồn: Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn