Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
2:46 CH,15/07/2016
Nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo thực sự phát triển, mới đây, Chính phủ đã có Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” do Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng.  

Thưa Thứ trưởng, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Xin ông nói rõ hơn về đề án này?

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”  mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký là một đề án rất quan trọng, với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Nội dung đề án được Chính phủ phê duyệt tập trung giải quyết nhiều vấn đề như cơ chế chính sách, nguồn lực, khu làm việc chung, cổng thông tin kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ở trong và ngoài nước, biện pháp tuyên truyền…
Từ trước đến nay chúng ta chưa có văn bản chính thức nào của nhà nước quy định về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Do đó, hệ thống luật pháp còn thiếu khá nhiều quy định đối với những người tham gia khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo. Ví dụ như việc người làm khởi nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi thất bại sẽ thế nào; ai quản lý ngân sách đó; vấn đề tài chính trong và ngoài nước khi nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào khởi nghiệp Việt Nam…
Hiện nay, đang có nhiều nhà đầu tư muốn đưa tiền vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Muốn vậy, phải cho họ cơ chế, chính sách để họ yên tâm đầu tư như các chính sách về thuế ưu đãi… Bởi vậy, chúng tôi rất hy vọng những nội dung cơ bản của Đề án trên sẽ giúp khởi nghiệp Việt Nam phát triển, đi đúng hướng và thành công.

Một trong những cản trở với khởi nghiệp chính là vốn và đầu ra của sản phẩm. Sắp tới, Bộ sẽ giải quyết vấn đề này như nào, thưa ông?

Hiện nay trong Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đang xây dựng để trình Quốc hội thông qua, chúng tôi đang đưa vào một quỹ mang tính chất đầu tư mạo hiểm. Việc này thành công mới giải quyết được các vấn đề nói trên.
Về việc hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp, tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng. Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng có rất nhiều nội dung, trong đó có những vấn đề hoạt động kết nối cung cầu, tạo điều kiện phát triển thị trường, nghiên cứu điều tra… Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có những chương trình phát triển thị trường, xúc tiến thương mại. Những chương trình đó giúp cho các doanh nghiệp không những đưa sản phẩm tới thị trường trong nước mà còn ra nước ngoài.

Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như nhiều cơ quan khác đang rất nỗ lực trong việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo ông, làm thế nào để việc này thực sự thành công và không bị biến thành một phong trào thiếu hiệu quả?

Đúng là làm phong trào thì sau này khó thành công được. Đó cũng là vấn đề mà chúng tôi suy nghĩ. Với hệ sinh thái khởi nghiệp, bản thân những người tham gia phải được đào tạo, cung cấp kiến thức và có kỹ năng để làm cho đúng. Các nhà đầu tư bỏ tiền cho doanh nghiệp làm thì họ cũng phải suy nghĩ có đầu tư hiệu quả hay không? Nhà đầu tư ngoài bỏ vốn, phải có kiến thức về quản trị doanh nghiệp, pháp luật, sở hữu trí tuệ, công nghệ… để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, tránh trường hợp chỉ bỏ tiền và hy vọng vào lợi nhuận.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế, thường thì 100 người nhận được hỗ trợ khởi nghiệp, chỉ có 5 - 10 người thành công. Bởi vậy, những người khởi nghiệp luôn phải sẵn sàng xác định chấp nhận thất bại.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: Báo Công thương
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn