Huyện Quế Phong (Nghệ An) đánh giá hiệu quả sản xuất giống lúa chịu lạnh (Japonica) trong vụ xuân năm 2016
5:37 CH,20/06/2016

Vừa qua, UBND huyện Quế Phong phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp tổ chức hội thảo sản xuất giống lúa Japonica vụ xuân năm 2016.

Tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Trọng Lương - Viện Di truyền Nông nghiệp đã báo cáo kết quả xây dựng mô hình giống Japonica tại một số địa phương trong nước và tại huyện Anh Sơn của tỉnh Nghệ An. Qua thực hiện mô hình tại nhiều địa điểm của Viện Di truyền Nông nghiệp cho thấy, bộ giống lúa chịu lạnh (Japonica) thích hợp cho vụ Xuân, năng suất thực thu đạt từ 65-80 tạ/ha. Nhiều địa phương thực hiện thu hoạch, bảo quản và xúc tiến thương mại tốt thì có thể bán được giá từ 10.000-15.000 đ/kg thóc. Trồng thâm canh giống lúa Japonica cho hiệu quả cao gấp 1,5-2 lần các giống lúa khác.

Theo báo cáo của huyện Quế Phong vụ xuân năm 2016 tổng diện tích trồng lúa J02 là 250 ha, trong đó xã Mường Nọc gieo cấy 60 ha tại các bản Ná Ngá, Ná Phày, Cỏ Nong và bản 8. Kết quả theo dõi cho thấy, giống J02 phù hợp với điều kiện huyện Quế Phong. Do đây là giống thuộc loài phụ Japonica xuất phát từ vùng ôn đới nên khả năng chịu rét tốt. Vì vậy, đầu vụ mặc dù bị rét đậm rét hại nhưng mạ sinh trưởng và phát triển tốt, lúa đẻ nhánh khỏe. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển lúa ít sâu bệnh, chiều cao cây đạt 135 cm, chiều dài cổ bông đạt 3,9 cm và chiều dài bông đạt 24,3 cm. Qua lấy mẫu để theo dõi năng suất thì một số yếu tố cấu thành năng suất đạt cao (208 bông/m2, 260 hạt chắc/bông, khối lượng 1.000 hạt đạt 23,5 g), năng suất thực thu đạt 70 tạ/ha.

Hội thảo cũng đã nghe ý kiến phát biểu của cán bộ và nhân dân tại xã Mường Nọc, cũng như ý kiến của các phòng ban chuyên môn thuộc UBND huyện Quế Phong về quá trình sinh trưởng và phát triển của giống lúa J02. Theo đó, giống lúa J02 có khả năng sinh trưởng, phát triển và chống chịu tốt, cho năng suất cao trong vụ Xuân. Trong vụ mùa giống J02 các năm trước bị sâu bệnh nhiều và năng suất không cao. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho lúa Japonica tại huyện Quế Phong hiện nay là rất quan trọng. Để xây dựng và phát triển thương hiệu cho lúa Japonica tại huyện Quế Phong thì cần có chất lượng lúa, gạo tốt nên đối với giống lúa này cần lựa chọn một số giống có năng suất và chất lượng cao và chỉ nên thâm canh trong vụ Xuân. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến, nhãn mác, bao bì..

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An ghi nhận các kết quả đạt được và đề nghị chính quyền và người dân huyện Quế Phong tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất giống lúa J02 trong vụ xuân của những năm tiếp theo. Trong quá trình sản xuất cần quan tâm hơn nữa trong khâu chăm sóc, bón phân và đặc biệt không sử dụng lúa thương phẩm để làm giống, dùng máy gặt, máy sấy để tạo ra sản phẩm gạo đồng đều đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ kết quả của việc thực hiện thâm canh giống lúa Japonica tại huyện Quế Phong, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xem xét lựa chọn một số giống lúa chịu lạnh đưa vào cơ cấu sản xuất trong vụ xuân năm 2017.
Trước đó, các đại biểu đã được tham quan mô hình thâm canh giống lúa J02 tại xóm Dừa xã Mượng Nọc huyện Quế Phong.
Nguồn: Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn