Còn nhiều khó khăn
5:00 CH,15/06/2016

Sau giai đoạn 1 triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam” (2011- 2015), hàng nghìn DN được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng… Tuy nhiên, để triển khai áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao năng suất chất lượng, DN vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân diễn ra đầu tháng 6 vừa qua tại Hà Nội, đại diện của một DN cho biết: Rào cản lớn nhất hiện nay trong việc đổi mới nhằm nâng cao năng suất chất lượng đó là: Cơ chế chính sách về đất đai, thuế, vốn và con người. Nếu DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp thì thời gian, thủ tục hành chính để có thể có quỹ đất đầu tư rất lâu và tốn kém nhiều chi phí. Đó là chưa kể DN thường xuyên phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành các lĩnh vực thuế, môi trường, lao động…

Theo ông Phó Đức Sơn - Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam: Có nhiều yếu tố tác động tới năng suất chất lượng sản phẩm, tuy nhiên, để nâng cao năng suất chất lượng thì không còn cách nào khác là DN phải ứng dụng, nâng cao và đổi mới khoa học công nghệ. Bởi vì, công nghệ là yếu tố then chốt quyết định đến năng suất chất lượng sản phẩm.

Một khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, phần lớn các DN Việt Nam đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình thế giới từ 2-3 thế hệ, có 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập về thuộc thế hệ những năm 70,75 của thế kỷ trước. Điều này đã dẫn đến tiêu hao nhiều nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất, sản phẩm sản xuất ra chất lượng không ổn định, chi phí sản xuất lớn…

Tuy nhiên, để đổi mới công nghệ hay áp dụng các hệ thống quản lý vào hoạt động, DN buộc phải xem xét, đánh giá lại toàn bộ hoạt động để từ đó có các giải pháp tổ chức lại sản xuất, nâng cao quản trị DN. Vì vậy, DN sẽ phải cần nguồn vốn đủ mạnh để đáp ứng được điều đó.

Theo ông Ngô Quý Việt- Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn- Đo Lường- Chất lượng: Với sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong nước và quốc tế những năm vừa qua, các cơ quan quản lý hiện nay khá khó khăn trong việc thuyết phục các DN bỏ thời gian và công sức cho hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, không phải DN nào cũng tiếp cận và áp dụng thành công những hệ thống và công cụ quản lý. Nguyên nhân là do quản lý sản xuất của các DN Việt nam vẫn dựa trên kinh nghiệm, chưa có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực, nhận thức, trình độ nghiên cứu ứng dụng khoa học còn hạn chế. Mặt khác, những tác động từ bên ngoài như sự biến động của chính sách, khó khăn chung của nền kinh tế khiến DN thường xuyên phải điều chỉnh chiến lược dài hạn.

Năm 2016, Việt Nam tiếp tục hội nhập ở mức sâu rộng hơn, khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam sẽ phải đối mặt với 3 thách thức: Tự do luân chuyển hàng hóa; đầu tư và lao động có kỹ thuật cao. Các DN cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn trước mắt, trong khi có tới 96% DN tư nhân ở Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Do vậy, khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài hoặc tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu là rất thấp. Đây chính là khó khăn lớn với các DN trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế trong nước và quốc tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn. 
Nguồn: Báo Công thương

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn