Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm dệt may
5:23 CH,13/06/2016
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đã áp dụng sản xuất tinh gọn-Lean Manufacturing (gọi tắt là Lean) như một giải pháp nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và được xem là hoạt động tạo giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp.

Lean là một nhóm công cụ và phương pháp, hiện đang được áp dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhằm loại bỏ lãng phí và những bất hợp lý trong quy trình sản xuất, để có chi phí thấp hơn và tính cạnh tranh cao hơn cho nhà sản xuất.
Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội - đơn vị tư vấn Lean cho nhiều doanh nghiệp dệt may - cho biết: “Lean sau khi áp dụng sẽ mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích như: giảm phế phẩm, giảm sự lãng phí; giảm thời gian quy trình và chu kỳ sản xuất; giảm thiểu mức hàng tồn kho ở tất cả công đoạn sản xuất; bảo đảm công nhân đạt năng suất cao nhất trong thời gian làm việc; tận dụng thiết bị và mặt bằng; có khả năng sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau một cách linh động hơn với chi phí và thời gian chuyển đổi thấp nhất; doanh nghiệp có thể gia tăng sản lượng một cách đáng kể từ cơ sở vật chất hiện có. Nhiều doanh nghiệp dệt may sau khi được chúng tôi tư vấn đã áp dụng thành công Lean vào sản xuất như: Công ty CP May Việt Tiến, Tổng công ty May 10, Tổng công ty Đức Giang, Công ty CP May Nam Định…”.
Theo đó, tại Tổng công ty May 10, sau khi áp dụng mô hình Lean, năng suất lao động tăng 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm 8%, giảm giờ làm 1 giờ/ngày, tăng thu nhập trên 10%, giảm chi phí sản xuất từ 5-10%/năm.
Cũng nhờ áp dụng Lean, năng suất toàn hệ thống của Tổng công ty May Nhà Bè - CTCP đã tăng hơn 20% và điều quan trọng hơn là tạo sự cộng hưởng thi đua trong sản xuất của các đơn vị. Năng suất, chất lượng của từng chuyền đã được ổn định và kiểm soát qua từng giờ sản xuất. Thu nhập của người lao động tăng lên đáng kể. Đặc biệt từ khi áp dụng Lean, May Nhà Bè đã giảm giờ làm cho công nhân 1 giờ/ngày, được nghỉ chiều thứ 7 và tuyệt đối không phải làm ca, kíp.
Đối với Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ, sau khi áp dụng Lean, doanh nghiệp đã sử dụng hiệu quả hơn mặt bằng nhà xưởng, giảm hàng tồn trên chuyền từ 30 sản phẩm xuống còn 3 sản phẩm, hàng lỗi giảm từ 20% xuống còn 8%. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, Việt Tiến đã chọn công nghệ Lean là một trong 10 giải pháp quan trọng để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 10 – 15%.
Cũng theo tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, áp dụng Lean là một quá trình lâu dài và cần phải xây dựng từng bước. Đầu tiên là người lãnh đạo phải quyết tâm, quyết liệt triển khai, lần đầu tiên, lần thứ hai có thể thất bại song tuyệt đối không được bỏ cuộc. Do vậy, để có thể tư vấn cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, đòi hỏi các chuyên gia tư vấn phải biết đồng thời 2 kỹ năng: Triển khai Lean và kỹ thuật chuyên ngành công nghệ may, điều này đã được đội ngũ tư vấn của chúng tôi làm rất tốt. Đây cũng được xem là công cụ để giúp các doanh nghiệp hướng đến nâng cao năng suất chất lượng.
Nguồn: Báo Công thương

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn