Khoa học công nghệ thành động lực phát triển
10:43 SA,03/06/2016

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên toàn bộ các lĩnh vực, trong đó có việc thực hiện Đề án Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 của Bộ Công Thương.

Đối với ngành khai khoáng nói chung và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản nói riêng, khoa học công nghệ (KHCN) luôn được coi là động lực phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong giai đoạn 2010 - 2015, Tập đoàn đã phê duyệt và thực hiện đồng bộ 10 chương trình KHCN trọng điểm phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các đơn vị thành viên với 133 đề tài và 11 dự án. Tổng kinh phí đã bố trí từ Quỹ phát triển KHCN của Tập đoàn khoảng 216 tỷ đồng, trong đó, 60% kinh phí cho các nhiệm vụ KHCN ứng dụng công nghệ mới phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh; phần còn lại cho thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu trước, tiếp thu làm chủ công nghệ, tăng cường năng lực nghiên cứu, quản lý.

Kết quả, trong khai thác hầm lò, đã nghiên cứu đề xuất được các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để nâng cao mức độ cơ giới hóa và hiện đại hóa trong quá trình sản xuất, mở ra hướng phát triển cơ giới hóa và hiện đại hóa các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh nhằm tăng sản lượng khai thác, nâng cao mức độ an toàn và đáp ứng nhu cầu sản lượng ngày càng tăng của ngành; thiết kế, xây dựng các mỏ hầm lò mới với mức độ cơ giới hóa cao, thiết bị hiện đại, công suất lớn như mỏ than Hà Lầm, Núi Béo, Khe Chàm II-IV …

Một số giải pháp cơ giới hóa khai thác cụ thể đã được áp dụng như sử dụng các loại vì chống thủy lực thay thế gỗ, áp dụng công nghệ khấu than bằng thiết bị đồng bộ cơ giới hóa ở các mỏ Khe Chàm, Vàng Danh, Nam Mẫu, Mạo Khê, Hồng Thái; sử dụng đồng bộ thiết bị giàn khoan, máy xúc, dây chuyền vận tải đồng bộ; phát triển sử dụng các loại vì neo bêtông cốt thép, bêtông phun, neo dẻo trong các đường lò...

Trong khai thác lộ thiên, đã áp dụng đồng bộ thiết bị cơ giới hóa công suất lớn như ô tô tải trọng đến 100 tấn, máy khoan đường kính lớn, máy xúc thủy lực gàu ngược dung tích 12 m3, hệ thống vận tải liên hợp ô tô-băng tải, ô tô khung mềm, sử dụng máy cày xới để giảm khoan nổ mìn (DR10), sử dụng thuốc nổ nhũ tương, sử dụng bãi thải trong và bãi thải cao để tiết kiệm diện tích...

Công tác tuyển khoáng và vận tải, các nhà máy tuyển than cũng đã được cải tạo và đầu tư công nghệ mới để sản xuất các loại than chất lượng tốt phục vụ xuất khẩu, phát triển các cụm dây chuyền công nghệ tuyển trong môi trường huyền phù tự sinh và huyền phù manhetit; sử dụng các hệ thống băng tải kín, băng tải ống vận chuyển than nhằm giảm ô nhiễm môi trường…

Nhằm bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ, Tập đoàn đã đầu tư xây dựng Trung tâm An toàn mỏ phục vụ kiểm soát an toàn cháy nổ khí trong mỏ hầm lò, kiểm định vật liệu nổ, thiết bị phòng nổ, đào tạo cấp cứu mỏ... Ở hầu hết các mỏ, đã áp dụng hệ thống tự động đo khí mêtan, kết nối với trung tâm điều hành sản xuất mỏ.

Vấn đề môi trường cũng được Tập đoàn quan tâm bằng việc sử dụng máy móc công nghệ hiện đại, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường cho các khu vực nhạy cảm ở tất cả các mỏ, thực hiện quan trắc môi trường hàng quý để nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời, lập quỹ môi trường tập trung để phục vụ các công trình bảo vệ môi trường trọng điểm. Áp dụng các giải pháp công nghệ xử lý ô nhiễm, cải tạo phục hồi môi trường các mỏ khoáng sản, tập trung vào công nghệ cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải và xử lý nước thải các mỏ than.

Nguồn: Báo Công thương, ngày 27/5/2016.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn