Máy bào chế thuốc dành cho phòng thí nghiệm
11:00 SA,26/05/2016

Với mục đích tạo thêm cơ hội cho các em sinh viên có điều kiện thực hành, nâng cao hiệu quả quá trình học tập trên giảng đường, nhóm giảng viên và sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống máy bào chế thuốc tây dành cho phòng thí nghiệm.

Giảng viên Phạm Văn Toản - Khoa Cơ điện - Điện tử, Trường Đại học Lạc Hồng cho hay, xuất phát từ thực tế, hiện nay tại các cơ sở đào tạo đang thiếu rất nhiều trang thiết bị thực hành phục vụ công tác đào tạo, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Bên cạnh những ngành kỹ thuật thì những ngành đặc thù như ngành dược, việc đầu tư trang bị thêm thiết bị thực hành càng quan trọng, giúp sinh viên có điều kiện được tiếp xúc sớm với các quá trình bào chế thuốc, từ đó nắm chắc được những kiến thức dược, lý, hóa trong tân dược, đảm bảo có kiến thức chuyên môn vững hơn. Thế nhưng, những loại máy dành cho công nghiệp sản xuất dược phẩm sử dụng cho phòng thí nghiệm hiện nay rất ít. Vì vậy, tại nhiều trường đại học, quy trình bào chế thuốc chủ yếu sinh viên vẫn thực hiện thủ công. Điều này là cho chất lượng nghiên cứu, học tập giảm, không chính xác, tốn thời gian. Chính vì vậy, nhóm tác giả đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống máy bào chế thuốc với ý tưởng thu nhỏ hệ thống quy trình bào chế thuốc trong công nghiệp sản xuất dược phẩm hiện nay thành hệ thống nhỏ có quy mô phòng thí nghiệm. Mặc dù thu nhỏ nhưng mô hình hệ thống vẫn đảm bảo đầy đủ, chính xác và hiệu quả mỗi công đoạn bào chế, thầy Toản nhấn mạnh.

Trước mắt, máy được đầu tư thiết kế, chế tạo dành cho phòng thí nghiệm của Khoa Dược của Trường. Hệ thống máy với một đầu nối đa năng thực hiện hầu hết các công đoạn: nhào, trộn, tạo hạt trong khâu pha chế. Với thiết kế nhỏ, nên máy tiết kiệm diện tích phù hợp với quy mô các phòng thí nghiệm trường học. Điều quan trọng, việc nghiên cứu, thiết kế được tối giản hóa các chi tiết, cách thức sử dụng nên người vận hành có thể quan sát quá trình làm việc của máy để có thể theo dõi, đánh giá được độ đồng đều của hạt, bột trong thực hiện quá trình bào chế, từ đó kịp thời điều chỉnh tốc độ, thời gian cho phù hợp với mục đích sử dụng và đem lại hiệu quả cao nhất. Trong quá trình vận hành thử nghiệm tại Khoa Dược cho thấy, hiệu quả của máy luôn đạt tối ưu trong việc trộn và tạo hạt. Kích thước của máy bào chế thuốc nhỏ, gọn, dễ sử dụng, tính thẩm mỹ cao, hoàn toàn phù hợp với phòng thí nghiệm. Mặt khác, hệ thống máy bào chế do nhóm chế tạo cũng được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế. Bởi vì, nếu so với giá các loại máy nhập khẩu có chức năng tương tự thì hệ thống máy bào chế do nhóm tác giả chế tạo có giá trị dự kiến chỉ xấp xỉ bằng 1/5.

Với kỹ thuật hiện đại như ngày nay thì các thiết bị bào chế thuốc bán khá phổ biến trên thị trường, tuy nhiên các loại máy này chủ yếu là máy dùng trong sản xuất công nghiệp còn các loại máy dành cho phòng thí nghiệm, nhất là phòng thí nghiệm trong các trường đại học vẫn chưa có cơ sở sản xuất nào chế tạo. Bên cạnh đó, để tạo nên tính mới và dễ sử dụng trong quá trình vận hành, nhóm đã ứng dụng màn hình cảm ứng trong điều khiển thiết lập, giám sát chế độ hoạt động của máy. Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, hệ thống máy bào chế thuốc dành cho phòng thí nghiệm của nhóm nghiên cứu là hệ thống hoàn toàn mới tại Việt Nam.

Với những tính năng mới, khả năng ứng dụng và cho hiệu quả kinh tế cao, hệ thống máy bào chế thuốc dành cho phòng thí nghiệm của nhóm nghiên cứu khoa Điện tử - Cơ điện đã đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2015.

Nguồn: Sở KH&CN Đồng Nai, ngày 25/5/2016.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn