Phát hiện và chẩn đoán chứng tự kỷ ở trẻ bằng phương pháp theo dõi ánh mắt
3:51 CH,12/04/2016

Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu khi chẩn đoán chứng “Rối loạn phổ tự kỷ” (ASD) ở trẻ em thường chỉ dựa vào những thông tin được cung cấp từ cha mẹ đứa trẻ, hay thông qua quan sát lâm sàng hoặc trò chuyện trực tiếp với trẻ. Tuy nhiên, những phương pháp này không phải lúc nào cũng mang lại kết quả chính xác và cụ thể. Mới đây, một nhóm nghiên cứu đến tại Bệnh viện Cleveland, bang Ohio, Hoa Kỳ, đã tìm ra một phương pháp mới giúp phát hiện và chẩn đoán dấu hiệu tự kỷ ở trẻ một cách nhanh chóng và chính xác, bằng việc quan sát ánh mắt của trẻ.

Nhóm chuyên gia bắt đầu thử nghiệm với hai nhóm đối tượng bao gồm những đứa trẻ ở độ tuổi từ 3 đến 8 và được cho là có nguy cơ mắc chứng tự kỷ cao. Họ đã sử dụng thiết bị theo dõi ánh mắt để quan sát và phân tích ánh mắt của trẻ trong quá trình chúng tập trung vào các hình ảnh và đoạn video có nội dung đề cập đến các khía cạnh xã hội và phi xã hội. Lượng thời gian cũng như mức độ tập trung quan sát của trẻ đối với những hình ảnh và video sau đó sẽ được sử dụng để làm cơ sở đánh giá khách quan và chính xác tình trạng, mức độ cũng như nguy cơ mắc bệnh của trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 5, được gọi là “Chỉ số nguy cơ tự kỷ”.

Kết quả sau thử nghiệm phản ánh rõ thành công của nhóm nghiên cứu khi họ chẩn đoán chính xác tới 80% trong số các trường hợp trẻ mắc chứng tự kỷ. Phương pháp chẩn đoán dựa trên Chỉ số nguy cơ tự kỷ được đánh giá là hiệu quả và hữu ích hơn nhiều so với các kỹ thuật chẩn đoán thông thường vì nó thể hiện cụ thể và chính xác mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp, thay vì chỉ đưa ra kết luận đơn thuẩn về tình trạng của trẻ.

Các chuyên gia đặc biệt tin rằng phương pháp tiếp cận mới thông qua việc theo dõi ánh mắt của trẻ có thể giúp phát hiện cũng như chẩn đoán sớm hơn, chính xác hơn và hiệu quả hơn chứng tự kỷ ở trẻ để từ đó, có những biện pháp can thiệp thích hợp và kịp thời.

Tiến sĩ Thomas W Frazier, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Việc thiếu các phương pháp khách quan được coi là trở ngại lớn nhất trong chẩn đoán sớm trẻ em mắc chứng tự kỷ. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy biện pháp theo dõi ánh mắt rất dễ thực hiện đối với trẻ nhỏ, đồng thời chứng minh rằng nó là công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp việc chẩn đoán tình trạng trẻ của cha mẹ trở nên nhanh chóng và chính xác hơn, nhờ đó, quá trình điều trị cũng kịp thời và hiệu quả hơn”.

Để xác minh kết quả đạt được, nhóm của Thomas lên kế hoạch mở rộng phạm vi thử nghiệm với con số đối tượng tham gia nhiều hơn. Kết quả thu được hoàn toàn khả quan. Do đó, họ có cơ sở để tin và khẳng định rằng phương pháp theo dõi ánh mắt trong phát hiện và chẩn đoán trẻ tự kỷ là hết sức nhanh chóng, tiện lợi, không tốn kém và quan trọng hơn cả là có độ chính xác khá cao. Nếu kỹ thuật mới được chứng minh hiệu quả, các bác sĩ sẽ có cách thức xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh tự kỷ khách quan và hiệu quả hơn.

Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trực tuyến trên Tạp chí Journal of the American Academy of Child and Adolescent Psychiatry.

Nguồn: vista.gov.vn

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn