Nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu điều tra bổ sung, xây dựng bản đồ dược liệu, bảo tồn tài nguyên nguồn cây thuốc nam bản địa tỉnh Vĩnh Long"
3:01 CH,01/02/2016

Ngày 30/12/2015, tại Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Vĩnh Long, Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (sau đây gọi là Hội đồng) đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu điều tra bổ sung, xây dựng bản đồ dược liệu, bảo tồn tài nguyên nguồn cây thuốc nam bản địa tỉnh Vĩnh Long” do GS.TS Nguyễn Thị Lang - Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long làm chủ nhiệm. Ông Hà Văn Sơn - Giám đốc Sở KH&CN làm Chủ tịch Hội đồng.

Thời gian, địa điểm, mục tiêu

Đề tài được thực hiện từ tháng 12/2013 đến tháng 12/2015 tại Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long với mục tiêu: kế thừa công trình nghiên cứu cây thuốc nam tỉnh Vĩnh Long của bác sĩ Bùi Chí Hiếu và bác sĩ Nguyễn Hồng Trung, điều tra bổ sung, xác định tập đoàn cây thuốc nam tại tỉnh Vĩnh Long (định danh chính xác tên khoa học, tên dân gian, dược tính, công dụng...); bảo tồn, nhân giống và phát triển các giống cây thuốc quý; xây dựng bản đồ dược liệu cây thuốc nam tỉnh Vĩnh Long; biên soạn sách về cây thuốc nam bản địa tỉnh Vĩnh Long.

Phương pháp, nội dung nghiên cứu

Đề tài đã tập trung sử dụng phương pháp hiệu số bình phương Malahanobis, phương pháp điều tra, phân tích, xây dựng bản đồ để nghiên cứu thực hiện các nội dung: (1) Thu thập một số dòng/giống cây thuốc nam có hiệu quả trong điều trị bệnh (200 mẫu); (2) Đánh giá kiểu gen dựa vào maker phân tử của 20 cây thuốc nam khác nhau; (3) Bảo tồn nguồn gen cây thuốc nam; (4) Hoàn thiện xây dựng Bản đồ dược liệu cây thuốc nam tỉnh Vĩnh Long (tỉ lệ 1:50.000); (5) Biên soạn sách về “Các loại cây thuốc nam bản địa tỉnh Vĩnh Long” (có kế thừa sách về cây thuốc nam tỉnh Vĩnh Long của bác sĩ Bùi Chí Hiếu và bác sĩ Nguyễn Hồng Trung).

Kết quả nghiên cứu

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã cơ bản hoàn thành các nội dung: khảo sát, tìm kiếm và tập trung xử lý, phân tích 200 mẫu, định danh các loại cây thuốc nam tại Vĩnh Long; đánh giá được các đặc tính sinh trưởng, phân tích DNA và đa dạng nguồn gen của 20 cây thuốc có thể khai thác để sử dụng, thiết kế 100 primers cho 10 cây chủ lực; nhân giống 1-2 giống quý, hiếm và đưa vào sản xuất; xây dựng phương án và thiết kế mô hình dự kiến cho vùng bảo tồn cây thuốc nam tỉnh Vĩnh Long; đã xây dựng hoàn thiện Bản đồ dược liệu cây thuốc nam tỉnh Vĩnh Long theo tỉ lệ 1:50.000. Ngoài ra, đề tài còn tổ chức hội thảo khoa học với 110 đại biểu là cán bộ, các nhà khoa học, các vị sư trong các chùa và các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long.

Bên cạnh đó, nhóm thực hiện đề tài còn kiến nghị tỉnh sớm quy hoạch vùng ưu tiên cho bảo tồn cây thuốc nam; khai thác sử dụng cây thuốc quý; trước mắt, cần có kế hoạch nhân giống, sản xuất sản phẩm chức năng từ cây Dâu Tằm Ăn, Đinh Lăng, Gừng, Chùm Ngây; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho từng loại cây thuốc nam và đánh giá tính ổn định hoá lý các sản phẩm từ cây thuốc nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Kết quả nghiệm thu

Qua đánh giá, thảo luận của các thành viên Hội đồng xoay quanh những vấn đề và nội dung chính của đề tài, Hội đồng đã đánh giá cao quá trình nghiên cứu cũng như kết quả đạt được của đề tài, đồng thời góp ý nhóm nghiên cứu cần thực hiện bổ sung các nhóm nấm làm thuốc và các nhóm hoa cảnh có liên quan đến nhóm cây thuốc phục vụ sản xuất... Kết quả, Hội đồng bỏ phiểu thống nhất nghiệm thu đề tài và xếp loại xuất sắc.

Nguồn: Sở KH&CN Vĩnh Long

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn