Nghiên cứu biến động bãi do tác động của công trình giảm sóng, tạo bồi cho khu vực Hải Hậu - Nam Định
2:57 CH,01/02/2016

Đó là tên đề tài luận án tiến sĩ của Nghiên cứu sinh (NCS) Doãn Tiến Hà vừa được bảo vệ thành công tại Hội đồng đánh giá luận án cấp Viện của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Viện KH KTTVBĐKH). Đến dự buổi bảo vệ luận án có đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Thủy Lợi Việt Nam, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển, Viện KHKTTVBĐKH, các cơ quan phối hợp đào tạo với Viện. Cùng tham dự còn có các nhà khoa học đã đóng góp ý kiến cho luận án và các nhà khoa học quan tâm đến vấn đề của đề tài trong và ngoài Viện.

Theo đề tài, dọc ven bờ ở nước ta đã xây dựng khá nhiều các công trình bảo vệ bờ, bãi biển như: Hải Phòng, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Nha Trang, Vũng Tàu, Tiền Giang,… Bước đầu những công trình này cũng đã mang lại một số hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, tại một số nơi các công trình đã bộc lộ nhiều nhược điểm, không hiệu quả. Do đó, để phát huy hiệu quả của các hệ thống công trình này, việc nghiên cứu, tính toán ảnh hưởng và tương tác của các công trình đối với các chế độ thủy thạch động lực ven bờ phải được xem xét kỹ lưỡng.

Vì vậy, đề tài sẽ đóng góp một phần vào giải quyết các yêu cầu thực tiễn trong công tác xây dựng công trình bảo vệ bờ biển ở nước ta. Luận án đã lựa chọn vùng bở biển Hải Hậu làm trọng điểm để tiến hành nghiên cứu. Bờ biển Hải Hậu từ cửa Hà Lạn đến Lạch Giang dài 33,32 km. Toàn bờ biển Hải Hậu bị xói lở trên chiều dài 17,2 km, tốc độ xói trung bình 14,5 m/năm, lớn nhất 20,5 m/năm. Quá trình xói lở, phá hoại đê kè biển tại đây diễn ra rất nghiêm trọng trong cơn bão Damrey (2005). Bão đã làm hư hỏng và vỡ 8,12 km đê biển Hải Hậu, có đoạn vỡ hoàn toàn với chiều dài hơn 1,0 km (Hải Triều – Hải Hòa).

Do đó, nhằm bảo vệ bãi, đê biển rất cần xem xét, nghiên cứu về chế độ thủy thạch động lực ven bờ tại đây. Trên cơ sở một số quy luật biến động bờ, bãi biển sẽ đề xuất giải pháp công trình bảo vệ.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm (i) bước đầu xác định một số quy luật biến động đường bờ, bãi biển dưới tác động của chế độ động lực ven bờ; phân tích dựa trên số liệu thực đo về biến động bãi, bờ biển và biến động các cửa sông làm ảnh hưởng tới ổn định đường bờ khu vực Hải Hậu; (ii) tính toán trên mô hình toán và mô phỏng trên mô hình vật lý để làm rõ về quá trình tương tác – công trình và tác động của công trình đến quá trình diễn biến hình thái ven bờ tại khu vực nghiên cứu; (iii) đề xuất được giải pháp chỉnh trị phù hợp phục vụ phòng chống thiên tai, nhằm ổn định vùng bờ biển nghiên cứu.

Sau khi nghe trình bày nội dung đề tài, các thành viên Hội đồng đã có những ý kiến phản biện, trao đổi nhằm hoàn thiện Đề tài. Đồng thời, NCS Doãn Tiến Hà cũng trả lời những câu hỏi của Hội đồng. Kết luận hội đồng, các thành viên Hội đồng đánh giá cao tính phát hiện và tính thực tiễn của đề tài và nhất trí thông qua đề tài.

Phát biểu tại buổi bảo vệ luận án, NCS Doãn Tiến Hà bày tỏ sự cảm ơn tới các nhà khoa học, các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực Hải dương học, cơ sở đào tạo Viện KHKTTVBĐKH, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi, tận tình giúp đỡ, hướng dẫn để hoàn thành luận án của mình.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và môi trường

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn