Nghiên cứu sự biến động về sức khỏe, bệnh tật và nồng độ dioxin ở người có nồng độ dioxin cao; đề xuất giải pháp điều trị
2:49 CH,01/02/2016

Mới đây, tại Hà Nội, Văn phòng Chương trình 33 thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Học viện quân y tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đối với đề tài “Nghiên cứu sự biến động về sức khỏe, bệnh tật và nồng độ dioxin ở người có nồng độ dioxin cao; đề xuất giải pháp điều trị”. Đây là đề tài được thực hiện bởi PGS.TS Trần Văn Khoa, Chủ nhiệm Bộ môn Sinh học và Di truyền Y học, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng làm chủ nhiệm đề tài.

 Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng chất diệt cỏ một cách rộng rãi với ba mục đích: Phát quang để tấn công, phá hủy môi trường và những khu rừng là căn cứ của đối phương; Phát quang để phòng vệ, tạo vành đai an toàn xung quanh nơi đồn trú, tránh sự xâm nhập của đối phương và phá hoại mùa màng. Theo số liệu của Young, 2009: từ năm 1961 đến năm 1972, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 79.488.240 lít chất diệt cỏ. Trong đó có 46.276.880 lít (chiếm 62,4%) chất diệt cỏ chứa dioxin (130-144kg dioxin). Chiến tranh ở Việt Nam đã trôi qua trên ba chục năm, nhưng hậu quả của nó để lại thì vẫn còn rất nặng nề. Riêng số người là nạn nhân của dioxin khoảng trên 3 triệu người, chủ yếu là người Việt Nam. Tại Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về tác hại của dioxin đối với sức khỏe con người, tuy nhiên, đa số các nghiên cứu đều là những nghiên cứu cắt ngang, phản ánh thực trạng sức khỏe của những người phơi nhiễm dioxin tại thời những điểm nhất định. Chưa có những nghiên cứu sâu, theo dõi dọc về biến động sức khỏe cũng như nồng độ dioxin, mối liên quan giữa biến đổi nồng độ dioxin trong cơ thể với tình trạng sức khỏe. Chính vì vậy, việc triển khai nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu sự biến dộng sức khỏe, bệnh tật và nồng độ dioxin ờ người có nồng độ dioxin cao; đề xuất giải pháp điều trị” là cần thiết và có ý nghĩa thiết thực nhằm đánh giá sự biến động về sức khoẻ, bệnh tật và nồng độ dioxin trong máu của những người phơi nhiễm chất da cam/dioxin có nồng độ dioxin cao; nghiên cứu, tìm hiểu mối liên quan giữa biến động sức khỏe/bệnh tật và biến động nồng độ dioxin trong cơ thể người bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin; đồng thời đề xuất một số giải pháp theo dõi và điều trị bệnh tật cho nhũng trường hợp phơi nhiễm với chất da cam/dioxin.

     Đề tài đã tiến hành nghiên cứu trên 58 trường hợp có nồng dộ dioxin trong máu cao trên 10ppt và 102 đối tượng có nồng độ dioxin thấp được lựa chọn qua phỏng vấn, sàng lọc bằng phương pháp DR CALUX và hồi cứu từ các nghiên cứu trước. Nồng độ dioxin (WHO-TEQ) được xác định bằng GC-MS, thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm lâm sàng huyết học, sinh hóa mỗi năm 1 lần trong ba năm liên tiếp từ 2012 đến 2015. Kết quả nghiên cứu cho thấy: (i). Thời gian phơi nhiễm tỷ lệ thuận với nồng độ dioxin trong máu. (ii). Tăng tỷ lệ các bệnh tim mạch, hô hấp và tỷ lệ chung các bệnh lý liên quan dioxin ở nhóm có nồng độ dioxin cao > 10ppt so với nhóm nồng độ thấp.

Trên cơ sở khoa học và thực tiễn về tốc độ phân hủy sinh học tự nhiên, các kết quả nghiên cứu về tình trạng tái nhiễm, tác dụng thải độc không đặc hiệu, nhóm tác giả nghiên cứu đề xuất một số giải pháp khắc phục liên quan tới: Chế độ khám sức khỏe định kỳ; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường ý thức giữ gìn sức khỏe của người dân sống tại các vùng ô nhiễm da cam/dioxin; Chế độ sử dụng thực phẩm chức năng, tăng cường miễn dịch, chất chống oxy hóa, các biện pháp tăng thải độc; Cách ly với nguồn ô nhiễm, tránh tái nhiễm.

Tại buổi nghiệm thu đề tài, PGS.TS Trần Văn Khoa, Chủ nhiệm Bộ môn Sinh học và Di truyền Y học, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình, kết quả nghiên cứu và những điểm mới của đề tài; đồng thời bày tỏ mong muốn trên tinh thần khoa học, cởi mở và thẳng thắng, Hội đồng nghiệm thu và các nhà khoa học sẽ có những góp ý, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho đề tài, để khi hoàn thiện, đề tài “Nghiên cứu sự biến động về sức khỏe, bệnh tật và nồng độ dioxin ở người có nồng độ dioxin cao; đề xuất giải pháp điều trị” có giá trị khoa học và thực tiễn cao.

Các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu cùng các nhà khoa học tham dự đánh giá cao những điểm mới trong nghiên cứu, được thực hiện công phu, nghiêm túc, đáp ứng tốt những yêu cầu đề ra trong hợp đồng; đồng thời cũng đưa ra những ý kiến phản biện, trao đổi nhằm hoàn thiện hơn nữa kết quả nghiên cứu của đề tài. “Các sản phẩm của đề tài đã được công bố khá đồ sộ, đồng thời thể hiện tính trung thực, nghiêm túc, có giá trị khoa học; các sản phẩm này có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy các chuyên đề có liên quan sau này” - PGS.TS Trịnh Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài nhấn mạnh.

Hội đồng nghiệm thu cũng đề nghị, trên cơ sở các ý kiến đóng góp, trao đổi, chủ nhiệm đề tài cần hoàn chỉnh Báo cáo tổng hợp của đề tài đã tiếp thu và chỉnh sửa nghiêm túc theo kết luận của Hội đồng nghiệm thu nhà nước.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và môi trường

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn