Ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân
3:49 CH,29/01/2016

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được trang bị nhiều công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa khi vận hành. Đố là nhận định của các chuyên gia năng lượng hạt nhân tại hội nghị chia sẻ Thông tin xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh mới đây.

Theo đại diện Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom tại Việt Nam Andrey Stankevich, một năm trước, phía Nga đã hoàn thành công trình nghiên cứu khả thi cho việc xây dựng. Nghiên cứu đó trả lời cho câu hỏi: xây dựng ở đâu, xây dựng thế nào và từ quan điểm kinh tế liệu có nên xây dựng hay không. Giờ đây, nghiên cứu khả thi ấy đang được phía Việt Nam kiểm tra. Việt Nam đang chuẩn bị địa bàn để triển khai công trình xây dựng. Tức là đang tiến hành đền bù tài sản và đất đai cho người dân sống trên diện tích xây dựng, giải phóng mặt bằng và tổ chức tái định cư. Đã phân bổ diện tích mới cho người dân tái định cư và bắt đầu trả tiền đền bù. Cuối năm ngoái, trong khuôn khổ trách nhiệm chuẩn bị địa bàn, phía Việt Nam bắt đầu xây dựng đường dây điện và đường giao thông vào công trình. Công việc đang theo đúng lịch trình đặt ra."

Chuyên gia Nga cũng cho biết thêm tại cuộc họp gần đây, chính phủ Việt Nam đã ghi nhận: người dân địa phương hoan nghênh việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, họ nhận thức được rằng đó là điều cần thiết để nâng cao phúc lợi xã hội của tỉnh nói chung. Công trình xây dựng quy mô này đóng góp dòng chảy tiền thuế cho ngân sách địa phương và tạo ra số lượng việc làm đáng kể cho nhân dân địa phương. Rosatom cam kết sẽ thu hút các công ty địa phương tham gia công trình, tỷ lệ nội địa có thể lên đến 30-40%. Điều này sẽ xác định trong thiết kế kỹ thuật của nhà máy điện hạt nhân, chuẩn bị ngay sau khi nghiên cứu khả thi được chấp thuận, theo dự kiến ​​là khoảng năm 2017. Ông Andrey Stankevich nhấn mạnh: "Đừng nhầm lẫn giữa các thiết kế cơ sở của nhà máy và dự án kỹ thuật của nó. Thiết kế cơ sở là giải pháp chuẩn, có sẵn ở Rosatom và được thực hiện tại nhiều địa phương của Nga và ở các nước khác. Nhưng thiết kế cơ bản này cần được "gắn" vào từng địa bàn cụ thể, có tính đến đặc trưng của nó. Bởi vì tại các địa điểm khác nhau sẽ có nhiệt độ khác nhau, nguy cơ động đất khác nhau, điều kiện địa chất khác nhau. Có nhà máy điện hạt nhân được xây dựng trên đất liền, có nơi trên bờ sông, hoặc trên bờ biển. Tất cả điều này cần được xem xét. Đem thiết kế cơ bản vào một địa bàn cụ thể là công việc quy mô và phức tạp."

Cùng với việc phát triển dự án kỹ thuật sẽ soạn thảo gói tài liệu để xin giấy phép thực hiện công trình. Và chỉ khi nhận được giấy phép thì mới bắt đầu xây dựng thực tế. Quá trình này ở Việt Nam cũng như ở Nga và ở hầu hết các nước đều giống nhau, Andrey Stankevich nhấn mạnh.

Kết luận vấn đề này, đại diện Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom tại Việt Nam Andrey Stankevich khẳng định, Nga và Việt Nam có quan hệ đối tác tốt đẹp, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng. Hai nước cũng có sự hiểu biết toàn diện về các quan điểm nguyên tắc của nhau, thể hiện trong cuộc gặp gần đây của đại diện Rosatom và EVN tại Hà Nội. Mặt khác, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân là vấn đề thương mại, không thể tránh những ý kiến bất đồng về thời hạn, giá cả. Nhưng với sự tôn trọng quan điểm của đối tác, chúng tôi luôn tìm giải pháp mà hai bên đều chấp nhận.

Nguồn: daibieunhandan.vn

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn