Nâng cao hiểu biết của công chúng về khoa học công nghệ
3:35 CH,20/12/2015

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (KHCN), Bộ KHCN tổ chức hội thảo "Nâng cao hiểu biết của công chúng về KHCN".

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Toàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KHCN cho biết, hoạt động truyền thông KHCN mới phát triển ở Việt Nam trong khoảng 10 năm qua. Qua công tác truyền thông KHCN, các cấp quản lý và người dân ý thức được vai trò quan trọng của KHCN là động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế, xã hội.

Cụ thể, Bộ KHCN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông KHCN gắn với sự ra đời của nhiều chương trình, chuyên trang KHCN. Ở Bộ KHCN cũng có tới 6 cơ quan báo chí và 40 website của các đơn vị trực thuộc Bộ để phục vụ hoạt động truyền thông KHCN, thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KHCN, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Bên cạnh đó đó, thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn, phổ biến kiến thức KHCN, triển lãm giới thiệu công nghệ - thiết bị, Tuần lễ KHCN quốc gia, Ngày KHCN Việt Nam…

Ông Toss Gascoigne, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông khoa học Úc (ASC), Chủ tịch Hội đồng khoa học của mạng lưới quốc tế về truyền thông KHCN (PCST) cho rằng, cách thức truyền thông KHCN bao gồm những việc làm hết sức cụ thể như các chuyên gia gặp gỡ cộng đồng, tổ chức các chiến dịch truyền thông, tạo ra những khẩu hiệu, pano, áp phích trong cộng đồng… để nâng cao nhận thức về KHCN.

Trong đó, một trong các kỹ năng quan trọng của truyền thông KHCN tới cộng đồng, đó là chúng ta cần phải thay đổi phương thức, tiếp cận đến những người nông dân cụ thể đang làm việc trên ruộng đồng, để giúp đỡ họ thay đổi thói quen sản xuất, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao để làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. “Những người nông dân này có vai trò quan trọng trong công tác truyền thông KHCN, bởi thông qua họ, các kinh nghiệm, thành quả mới trong sản xuất sẽ đến với những người nông dân khác một cách nhanh nhất, từ đó họ sẽ nhận thấy được vai trò to lớn của KHCN trong đời sống”, ông Toss Gascoigne nhấn mạnh.

Cũng theo ông Toss Gascoigne, các chính phủ trên thế giới đều xem KHCN như là một phương tiện hết sức hữu hiệu và đủ mạnh để có thể xoay vần cũng như thay đổi thế giới. Do đó, các nhà khoa học trên thế giới hiện nay đều nghĩ rằng phải làm thế nào để khai thác được KHCN theo chiều hướng tốt nhất phục vụ cuộc sống của tất cả nhân loại.“Tôi rất ngưỡng mộ, cảm kích khi Việt Nam đã ra được Luật KHCN. Đây là việc mà không phải quốc gia nào cũng làm được. Hiện chỉ có một số ít nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc… mới có Luật KHCN”, ông Toss Gascoigne bày tỏ.

Theo bà Jenni Metcalfe, Giám đốc của “eConnect Ccommunication” (một tổ chức được thành lập vào năm 1995 để giúp các nhà khoa học truyền thông kết quả nghiên cứu của họ tới công chúng), chúng ta phải khơi dậy mối quan tâm và niềm đam mê KHCN ở người dân, để từ đó xây dựng một xã hội có tinh thần khoa học. Do đó, cần có những chính sách lôi cuốn mối quan tâm của cộng đồng với KHCN.

Nguồn: Báo Công thương, ngày 12/12/2015.


Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn