Bảo tồn và nâng cao giá trị sản phẩm lê Cao Bằng
3:52 CH,11/12/2015

Tại tỉnh Cao Bằng, hiện cây lê được trồng chủ yếu ở các huyện: Thạch An, Trà Lĩnh, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng... với tổng diện tích là 131,81 ha, trong đó có 82,24 ha cho thu hoạch với năng suất 3,18 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 260 tấn. Trong các vùng trồng, Lê được trồng ở khu vực: Đông Khê (Thạch An), Nguyên Bình và Bảo Lạc được người tiêu dùng đánh giá là có chất lượng cao hơn ở các vùng trồng khác.

Để bảo tồn, gìn giữ và từng bước nâng cao sản lượng và chất lượng của sản phẩm lê Cao Bằng, Sở KH&CN Cao Bằng đã ký hợp đồng nghiên cứu, thực hiện một số đề tài/dự án, như: Dự án “Phục tráng, bảo tồn và phát triển cây lê huyện Trà Lĩnh”; Dự án “Xây dựng vườn gen, vườn ươm cây ăn quả có giá trị kinh tế cao: cam, quýt, mác mật, lê, hạt dẻ tại Cao Bằng”; Dự án “Tuyển chọn phục tráng và xây dựng vườn gen một số cây ăn quả đặc sản địa phương: mác mật, lê, hạt dẻ, cam, quýt”… Đặc biệt, để hạn chế nguy cơ thoái hóa và mai một giống cây lê có chất lượng, năm 2014, Sở KH&CN Cao Bằng đã ký hợp đồng nghiên cứu thực hiện đề tài “Khai thác và sử dụng nguồn gen lê Đông Khê, lê Bảo Lạc, lê Nguyên Bình” với Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm.

Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, đến nay đề tài đã điều tra, đánh giá về thực trạng sản xuất giống, kỹ thuật canh tác, biện pháp thâm canh nhằm nâng cao năng suất, phẩm chất lê; nghiên cứu kỹ thuật ghép cải tạo cho lê Đông Khê, Nguyên Bình và Bảo Lạc; tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật thâm canh tổng hợp, sơ chế và bảo quản lê.

Với mong muốn đưa sản phẩm lê Cao Bằng trở thành một trong những sản phẩm đặc sản địa phương, có thế mạnh và tiềm năng cạnh tranh trong nền nông nghiệp của tỉnh, qua triển khai thực hiện đề tài cho thấy, ngoài sản xuất giống, kỹ thuật canh tác, cần tiếp tục có các nghiên cứu về các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm nâng cao năng suất, phẩm chất lê. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần chú trọng phát triển ở quy mô sản xuất hàng hóa, đầu tư một cách hợp lý theo quy trình kỹ thuật và có chiến lược thị trường phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường, từng bước tăng thu nhập cho người dân trồng lê. Về phía chính quyền địa phương, các ngành, các cấp, cần sớm xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài, trong đó, chú trọng đến xây dựng vùng nguyên liệu; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tạo ra các giống cây trồng có năng suất và chất lượng tốt, tìm hướng ra ổn định cho sản phẩm… từ đó sẽ khuyến khích được nhân dân trong vùng tập trung sản xuất, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nguồn: Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn