Hội thảo về Biển Đông: các học giả bác bỏ “đường lưỡi bò”
3:37 CH,11/12/2015

Vừa qua, tại Vũng Tàu đã diễn ra Hội thảo Quốc tế lần thứ VII về Biển Đông do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Nghiên cứu Biển Đông (FESS), Hội Luật gia Việt Nam (VLA) phối hợp tổ chức.

Với chủ đề “Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu tham dự, trong đó có gần 70 học giả quốc tế, 70 học giả và đại biểu Việt Nam, cùng hơn 30 đại diện của 19 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và hơn 30 phóng viên thuộc 17 hãng tin trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ, TS Đặng Đình Quý - Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định: “Năm 2015, Biển Đông không có những cơn bão lớn nhưng sóng ngầm vẫn cuồn cuộn, đe dọa sự an nguy của một trong những huyết mạch giao thông trên biển quan trọng hàng đầu của thế giới; đe dọa tính mạng và công cuộc mưu sinh của hàng triệu ngư dân đã đánh bắt ở các ngư trường truyền thống trên Biển Đông hàng nghìn năm qua, đe dọa sự ổn định, an ninh và phát triển của cả khu vực”. Biển Đông chỉ có thể yên bình khi tất cả các bên ngoài lợi ích của chính mình, cần tính đến lợi ích của tất cả các bên khác, đồng thời hành xử theo các khuôn khổ luật pháp và tập quán quốc tế được đa số các nước công nhận và tán thành cách diễn giải, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định.

Tại Hội thảo, khi một số học giả của Trung Quốc tiếp tục lập luận cho rằng, chủ quyền lịch sử đường chữ U (“đường lưỡi bò”) của Trung Quốc có ý nghĩa hơn trước pháp luật so với khái niệm vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác ở Biển Đông thì các học giả Việt Nam và quốc tế cho rằng: chủ quyền đường chữ U của Trung Quốc là hoàn toàn sai trái, không có cơ sở pháp lý nào.

Trong khi đó, chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để chứng minh quyền chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép năm 1974, vi phạm luật quốc tế. TS Nguyễn Ngọc Trường, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế cho rằng: nếu nói về vấn đề lịch sử, thì Việt Nam mới là nước có chủ quyền lịch sử đã tồn tại lâu đời được chứng minh qua các bản đồ từ xưa của cả Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó, bản đồ Việt Nam khẳng định chủ quyền, còn bản đồ Trung Quốc không xuất hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Khẳng định ý nghĩa của Hội thảo, TS Đặng Đình Quý nhấn mạnh: Hội thảo lần này sẽ tác động mạnh mẽ đến nhiều giới, trong đó có dư luận quốc tế. Hội thảo sẽ có tác động đến giới nghiên cứu, hoạch định chính sách của các quốc gia, nhất là hơn 50 quan chức của chính phủ các quốc gia tham dự sẽ là những người trực tiếp nắm bắt được các vấn đề. Hội thảo cũng sẽ tác động đến giới học giả. Các cuộc tranh luận hết sức thẳng thắn, thậm chí có lúc tương đối căng thẳng, nhưng rất khoa học. Qua đó, có thể chuyển biến được nhận thức của các học giả, họ sẽ viết bài, kiến nghị với Chính phủ và định hướng công luận.

Ngoài ra, qua hội thảo lần này, bản thân các học giả cũng có thể sẽ nảy sinh ra những ý tưởng nghiên cứu mới để cho hội thảo năm tới và các năm tiếp theo, liên tục kéo dài, ngày càng thực chất hơn, đưa ra những kiến nghị ngày càng hiệu quả hơn cho Chính phủ các nước liên quan.

Nguồn: Báo Văn hóa

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn