Khoa học và công nghệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
11:07 SA,08/12/2015

Sự thành công thần kỳ của các nước Đông Á trong phát triển kinh tế, khởi đầu bởi Nhật Bản, Hàn Quốc… đều dựa trên cách thức khá giống nhau, trong đó khoa học công nghệ (KHCN) đều được coi là động lực chủ đạo.

Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Quốc Khánh nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo “Xác định đóng góp của KHCN vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do Viện Năng suất Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ KHCN tổ chức ngày 4/12.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, qua các giai đoạn phát triển kinh tế trên thế giới và tại các nước phát triển đã chứng minh KHCN có tác động quan trọng tới việc nâng cao năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Chiến lược KHCN quốc gia và chính sách công nghiệp đã tạo tiền đề và khích lệ doanh nghiệp mạnh dạn khai thác yếu tố đổi mới công nghệ và thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Với sự năng động của doanh nghiệp và trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, động lực KHCN sẽ thúc đẩy các yếu tố sản xuất như lao động, tiền vốn và đất đai chuyển dịch nhanh chóng từ ngành nghề, sản phẩm có hiệu quả thấp sang ngành nghề và sản phẩm có hiệu quả cao hơn. “Các doanh nghiệp đột phá về phát triển công nghệ thường tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao hơn. Đây là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của KHCN đã tác động lên tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

PGS.TS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore nhìn nhận, KHCN có đóng góp vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và rất dễ để người dân cảm nhận được. Ví dụ, tại Singapore, đối với việc kiểm tra chất lượng nguồn nước chỉ cần các địa phương lắp đặt con chip từ đầu nguồn để đo được chỉ số ô nhiễm và báo về trung tâm. Như vậy, mỗi ngày các nhà quản lý đều sẽ biết được được khu vực nào bị ô nhiễm và có giải pháp phù hợp.

Các chuyên gia cho biết, đóng góp của KHCN vào tăng trưởng kinh tế được biểu hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp - TFP, trong đó TFP được tính bằng lượng giá trị gia tăng trên một đơn vị tổng hợp các yếu tố đầu vào là vốn và lao động. Nếu với nguồn lực (vốn và lao động) không thay đổi nhưng tạo ra được giá trị đầu ra lớn hơn, thì phần lớn hơn đó là từ cải tiến năng suất dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn hoặc sử dụng thiết bị và lao động tốt hơn.

Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong cả giai đoạn 2011 – 2015 vào khoảng hơn 28%. Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế trong những năm qua đang có xu hướng tăng. Đây là sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế theo hướng tập trung vào chất lượng tăng trưởng. Đó là nâng cao chất lượng lao động, chất lượng về vốn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nguồn: Báo Công thương, ngày 4/12/2015.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn