Làn da của phi công mỏng đi sau 6 tháng ở trong không gian
2:47 CH,10/11/2015

Các phi hành gia sống trong không gian một thời gian dài phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm đến sức khỏe như thoái hóa cơ, khối lượng xương giảm và đáng lo ngại là hiện tượng mỏng da. Để tìm hiểu hiện tượng này, các nhà nghiên cứu đã áp dụng công nghệ laser.

Các kỹ thuật hình ảnh có độ phân giải cao đã đo sức khỏe làn da của các phi hành gia châu Âu trước và sau chuyến bay của họ vào không gian và kết quả cho thấy chuyến đi đã làm cho lớp biểu bì của da họ bị co lại.

Công nghệ laser do GS. Karsten Koenig thuộc trường Đại học Saarland phát triển, có độ phân giải không gian cao hơn 1.000 lần các kỹ thuật hình ảnh siêu âm thông thường. Ưu điểm của công nghệ là có thể thu thập thông tin trong vài giây không cần chuyên gia và hình ảnh lại có độ phân giải tuyệt vời mà không cần mất thời gian lấy mẫu sinh thiết và đọc kết quả.

Do nhiều phi hành gia than phiền về làn da của họ sau khi trở về từ các chuyến đi, do đó, NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã phối hợp với GS. Koenig thực hiện dự án "Skin-B". NASA giải thích: Dự án này sẽ nâng cao hiểu biết về sự lão hóa da của con người diễn ra trên Trái đất chậm hơn trong không gian và còn giúp tìm hiểu về quá trình lão hóa trong các mô khác trên cơ thể. Ngoài ra, dự án có thể giúp xác định tác động của các điều kiện môi trường như trên Mặt trăng và Sao hỏa đến các phi hành gia thực hiện nhiệm vụ trong tương lai tại những nơi này.

Cho đến nay, công nghệ laser đã được sử dụng để quét lên 3 phi hành gia - Luca Parmitano, Samantha Cristoforetti và Alexander Gerst. GS. Koenig đã phát hiện một số thay đổi về chức năng sinh lý của da. Thời gian phi hành gia lưu lại trên Trạm vũ trụ quốc tế xem ra đã làm tăng sản sinh collagen có tác dụng chống lão hóa ở phần dưới da. Tuy nhiên, lớp biểu bì được phát hiện đã co lại khoảng 20%, làm cho da mỏng hơn. Toàn bộ hiện tượng này đã diễn ra chỉ trong 6 tháng.

Bước tiếp theo, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu liệu thời gian phi hành gia lưu lại trong không gian dài hơn có làm cho vấn đề thêm trầm trọng hay không.

Nguồn: theo Nasati, ngày 30/7/2015.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn