Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển khoa học công nghệ từ nhận thức đến hành động
2:26 CH,10/11/2015

Phát triển mạnh các doanh nghiệp (DN) khoa học và công nghệ (KHCN), coi DN và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KHCN. Điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển KHCN.

Vai trò của DN trong phát triển KHCN không chỉ là khẩu hiệu mà nó đã và đang được chứng minh bằng những ví dụ cụ thể. Điều đó thể hiện tại Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2015 (Techmart 2015) diễn ra mới đây. Với phương châm phục vụ đổi mới công nghệ, thiết bị, Techmart năm nay lấy DN làm trung tâm, định hướng cho các hoạt động hỗ trợ. Tại khu triển lãm “Doanh nghiệp và nông dân sáng tạo hội nhập” đã cho thấy, sức mạnh của công nghệ mang lại cho DN vị trí dẫn đầu thị trường, sự thành công trong kinh doanh và phát triển bền vững nền kinh tế. DN không chỉ đưa những giá trị của KHCN thành sản phẩm, của cải, vật chất cho xã hội mà còn là cơ sở trực tiếp tham gia vào công tác nghiên cứu.

Bên cạnh, những tập đoàn, tổng công ty lớn như dầu khí, than- khoáng sản, điện lực… có khoa học không ngừng phát triển thì rất nhiều công ty cổ phần, DN tư nhân cũng có những bứt phá nhờ phát huy tốt KHCN. Đó là Công ty Gốm sứ Minh Long I với phát kiến công nghệ nung một lần, trong khi thế giới chưa từng làm được. Hay Công ty Thiên Long với Trung tâm nghiên cứu Nano từ 2008 và hàng loạt công nghệ mới trong chế tạo mực và các loại văn phòng phẩm mới, đang nâng trình độ công nghệ ngang tầm các nước tiến tiến như Nhật, Thụy Sỹ trong lĩnh vực văn phòng phẩm. Giấy Sài Gòn cũng áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và hàng xuất khẩu hơn 20 nước trên thế giới. Và rất nhiều tên tuổi thành công khác mà KHCN mang đến như: Rạng Đông, Điện Quang, Tôn Đông Á, Namilux, Nhơn Hòa…

Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất cũng được nhiều DN nông nghiệp áp dụng. Phải kể đến là lớp trẻ yêu công nghệ, táo bạo mở ra cho nông nghiệp và kinh doanh nông sản những con đường mới mà thế hệ trước ngần ngại chưa dám đi, như: Huỳnh Quang Vinh- chàng thạc sỹ nông học từ Đức, với phát kiến nhiều dòng sản phẩm mới, tự xây dựng tiêu chí làm nông sản sạch; Võ Minh Tấn- Việt kiều Mỹ say sưa thâm dụng các tính năng của nông sản qua chế biến gạo, thực phẩm, dược phẩm. Hay như kỹ sư tự động hóa Nguyễn Viết Giang- Công ty Tỏi đen Việt Nhật với thiết bị và công nghệ sản xuất tỏi đen vừa nâng cao giá trị cây tỏi vừa nâng cao sức khỏe con người; anh nông dân Phạm Minh Thiện đi tìm hàng loạt công thức chế biến, mở các phòng thí nghiệm hóa, sinh, dược...

Vai trò của DN trong phát triển KHCN ngày càng được rõ nét hơn. Trong thời gian qua, Việt Nam đã hình thành một số mô hình vườn ươm DN công nghệ như: Vườn ươm thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội; vườn ươm DN công nghệ thông tin của Tập đoàn FPT; vườn ươm DN thuộc khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, khu công nghệ cao Hòa Lạc... Tuy nhiên, các vườn ươm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn đầu tư, năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, kỹ năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu hạn chế... Vì vậy, thời gian tới, việc đẩy mạnh hoạt động ươm tạo để hình thành, phát triển các DN KH&CN, DN khởi nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động thương mại để DN tiếp cận và ứng dụng thành công KHCN vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu thúc đẩy phát triển nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Nguồn: Báo Công thương, ngày 18/10/2015.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn