Nghiên cứu kỹ thuật sinh thiết hạch lính gác trong điều trị ung thu lưỡi
3:28 CH,09/11/2015

Ung thư lưỡi (UTL) là loại ung thư thường gặp, xếp vào loại nhất nhì trong tất cả các ung thư của hốc miệng. Kết quả khảo sát của các chuyên gia trong lĩnh vực ung bướu tại TP.HCM, đã ghi nhận năm 2014 ung thư hốc miệng chiếm tỉ lệ là 4,6%. Tỉ lệ mắc bệnh ung thư hốc miệng đứng hàng thứ 6 ở nam giới tại TP.HCM, và đứng hàng thứ 10 cho cả hai giới nam và nữ tại Hà Nội. Một kết quả nghiên cứu khảo sát khác thì ghi nhận tại Việt Nam bệnh UTL hiện chiếm khoảng 18, 3%, đứng hàng thứ 3 đối với các ung thư hốc miệng. Còn tại Mỹ cũng ghi nhận có khoảng 6.200 trường hợp mắc bệnh UTL được phát hiện mỗi năm. Vừa qua, BS. CKII Lê Hoàng Minh, TS.BS.CKII Phạm Xuân Dũng và các cộng sự ở bệnh viện ung bướu TP.HCM đã hoàn tất hướng nghiên cứu về sinh thiết hạch lính gác trong UTL, đây là một kỹ thuật mới có tính khả thi, an toàn, nhiều triển vọng là phương pháp xâm lấn tối thiểu trong việc điều trị UTL giai đoạn sớm...

UTL là nơi có thể được phát hiện và chẩn đoán sớm, tuy nhiên tiên lượng sống còn trong khoảng thời gian 5 năm, chỉ khoảng 40-60% và phụ thuộc vào vị trí, giai đoạn của bướu nguyên phát và sự hiện diện của hạch cổ di căn. Cụ thể với các bướu (loại T1, 2) tỉ lệ sống còn trong khoảng 5 năm là từ 70-95%, và từ 20-40% với loại T3, 4. Song nếu có di căn hạch cổ thì tiên lượng sống chỉ còn phân nữa so với trường hợp không có di căn hạch. Trong trường hợp này việc điều trị cũng khó khăn hơn, dễ thất bại, và khả năng di căn xa cao.

Nghiên cứu cho thấy, trong thực tế tỉ lệ di căn hạch cổ âm thầm khá cao, khoảng 1/3 bệnh nhân không sờ thấy hạch trên lâm sàng đã có di căn hạch vi thể. Hiện nay, các trường hợp UTL không thấy hạch trên lâm sàng, các thầy thuốc vẫn thường chọn giải pháp nạo hạch cổ dự phòng để hạn chế tái phát, giảm tỉ lệ di căn, cải thiện thời gian sống cho người bệnh.

Trong ung thư nói chung và ung thư đầu cổ nói riêng, một sang thương có hạch di căn đơn độc có thể làm tăng giai đoạn bệnh từ giai đọan I  lên ngay giai đoạn III, bất kể kích thước bướu nguyên phát, đồng thời ảnh hưởng đến việc lựa chọn phát đồ điều trị, cũng như làm giảm tiên lượng sống của người bệnh.

Cho đến nay vẫn chưa có phương tiện lâm sàng, cận lâm sàng hay các chất đánh dấu sinh học nào có thể chẩn đoán chính xác tình trạng hạch vùng. Theo đó hướng sinh thiết hạch lính gác trong ung thư đầu cổ, được xem là một đáp án cho vấn đề này. Trong thời gian vừa qua, các chuyên gia trong lĩnh vực ung thư đã tiến hành nhiều nghiên cứu sinh thiết hạch lính gác trong ung thư đường tiêu hóa trên, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi, carcinôm tế bào Merkel trong đó có carcinôm tế bao gai hốc miệng đã ghi nhận môt số kết quả thuận lợi cho hướng điều trị ung thư vùng đầu, cổ.

Tuy nhiên do vị trí sang thương và hệ thống mạng dẫn lưu bạch huyết vùng đầu cổ khá phức tạp, nên đến nay vẫn chưa có chỉ dẫn nào mới được áp dụng thay thế nạo hạch cổ dự phòng trong việc điều trị ung thư vùng đầu, cổ.

Tại Việt Nam ở bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội, và bệnh viện Chợ Rẫy-TP.HCM sinh thiết hạch lính gác đã được tiến hành nghiên cứu, nhưng chưa ghi nhận kết quả trong ung thư đầu, cổ hay UTL. Với hướng nghiên cứu mà 

BS. CKII Lê Hoàng Minh, TS.BS.CKII Phạm Xuân Dũng và các cộng sự ở bệnh viện ung bướu TP.HCM vừa thực hiện, kết quả đạt được của nghiên cứu này là những đáng giá bước đầu về tỉ lệ phát hiện hạch lính gác, cũng như giá trị dự đoán di căn hạch vùng, của hạch lính gác trong carcinôm tế bào gai ở lưỡi trong giai đoạn sớm.

Mục tiêu đề tài nghiên cứu của  BS. CKII Lê Hoàng Minh, TS.BS.CKII Phạm Xuân Dũng hướng đến là khảo sát kết quả sinh thiết hạch lính gác bằng chất đồng vị phóng xạ trong UTL (hạch lính gác là hạch đầu tiên mà mạch bạch huyết của sang thương nguyên phát dẫn lưu về, từ đó mới di chuyển đến các hạch khác trong vùng). Sinh thiết hạch lính gác là kỹ thuật có tính khả thi, an toàn và là phương pháp xâm lấn tối thiểu trong UTL giai đoạn sớm.

Hiện nay, phẩu thuật nạo hạch cổ phòng ngừa (nhóm I,II, III) trong UTL là thường quy. Song do tỉ lệ di căn hạch trong giai đoạn này chỉ có 16, 67%. Cho đến nay nạo hạch cổ phòng ngừa vẫn hay được tiến hành thường quy trong UTL nhằm đảm bảo tiên lượng sống của người bệnh. Như vậy sẽ có khoảng 50-70% bệnh nhân phải chịu phẩu thuật nạo hạch cổ với nhiều tốn kém về tiền bạc, cũng như tổn hao không nhỏ về thể chất và tinh thần (với các di chứng, biến chứng). Dù đang được xem là một giải pháp có nhiều ưu điểm, nhưng kỹ thuật sinh thiết hạch lính gác hiện vẫn còn một số hạn chế, và chưa được sử dụng phổ biến vì vẫn chưa có nghiên cứu về vấn đề này đủ cỡ mẫu một cách toàn diện để qua đó có thể khẳng định rằng kỹ thuật này như là một tiêu chuẩn vàng thay thế cho nạo hạch cổ thường quy.

Trong thời gian tới khi kỹ thuật sinh thiết hạch lính gác được công nhận, thì hướng điều trị cho những vấn đề về hạch cổ cho bệnh nhân UTL nói chung, ung thư vùng đầu cổ nói riêng sẽ nhiều thuận lợi hơn. Khi đó những trường hợp hạch lính gác dương tính cũng sẽ được điều trị tốt bằng phẩu thuật (không cần phải xạ trị sau mổ).

Những kết quả bước đầu của đề tài do BS. CKII Lê Hoàng Minh, TS.BS.CKII Phạm Xuân Dũng thực hiện tại bệnh viện ung bướu TP.HCM, thu nhận được là rất khả quan. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến cáo là kỹ thuật sinh thiết hạch lính gác trong UTL giai đoạn sớm, có thề là phương tiện chọn lựa, hoặc thay thế nạo hạch cổ dự phòng.

Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục thực hiện thêm những nghiên cứu khảo sát với những cỡ mẫu lớn hơn, và theo dõi thời gian dài hơn. Khi đó kết quả của hướng nghiên cứu này sẽ là tiền đề ứng dụng cho các nghiên cứu sinh thiết hạch lính gác trong các loại ung thư khác như ung thu hốc miệng, ung thư đầu cổ. Kết quả nghiên cứu này cũng là cơ sở cho việc xây dựng phác đồ điều trị UTL tại bệnh viện ung bướu TP.HCM.

Nguồn: Khoa học phổ thông

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn