Xây dựng và triển khai thử nghiệm hạ tầng viễn thông công nghệ WiMAX
3:11 CH,09/11/2015

“Nghiên cứu phát triển một số dịch vụ đa phương tiện và giám sát các thông số môi trường sản xuất trên nền mạng viễn thông WiMAX tại khu vực Tây Nguyên” là đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước, do PGS.TS. Thái Quang Vinh, Viện công nghệ thông tin làm chủ nhiệm. Nhóm nghiên cứu đã triển khai lắp đặt 3 trạm BTS thu, phát sóng WiMAX, trong đó 2 trạm đặt ở trung tâm Buôn Ma Thuột và 1 trạm đặt ở vùng ngoại ô. Mạng lõi CSN, các máy chủ và phần kết nối mạng ngoài (Internet) được đặt tại trạm BTS trung tâm số 1 và có nhiệm vụ quản lý kết nối giữa các thành phần thiết bị trong mạng (kết nối các trạm BTS, các thiết bị đầu cuối với trạm BTS, giữa các thiết bị đầu cuối với nhau). Thử nghiệm và đánh giá mức độ phủ sóng, khả năng đâm xuyên của tín hiệu không dây WiMAX, wifi cũng như hiệu quả băng thông mạng WiMAX khi triển khai các dịch vụ giám sát hình ảnh, dịch vụ thông tin vị trí LBS, truyền số liệu SCADA và dịch vụ Internet băng rộng tại khu vực đông dân của Buôn Ma Thuột và ngoại ô, nơi chủ yếu là các lô trồng cao su và cà phê.

Hệ thống dịch vụ giám sát hình ảnh video qua mạng WiMAX bao gồm hệ quản lý camera quan sát và hệ hỗ trợ dịch vụ hội thảo từ xa (video conference). Với các camera IP kết nối qua mạng WiMAX, hệ thống đảm bảo theo dõi và xử lý hình ảnh thu được, giám sát hoạt động tại những nơi lắp đặt qua giao diện web. Nhóm nghiên cứu đã phát triển phần mềm quản lý cuộc gọi trên server để khởi tạo, quản lý tài khoản gọi, giám sát và kết thúc các cuộc hội thảo từ xa theo yêu cầu của người sử dụng từ bất kỳ địa điểm nào trong vùng phủ sóng, nhờ đó đảm bảo tính linh hoạt loại hình dịch vụ này.

Hệ thống dịch vụ thông tin LBS qua mạng WiMAX sử dụng các công nghệ định vị GPS, truyền thông không dây GSM/GPRS, Wifi/ WiMAX và GIS được phát triển và cài đặt trên máy chủ GIS server. Từ các thiết bị di động như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, kể cả các điện thoại thông thường, có thể thực hiện các tra cứu, truy vấn thông tin đến máy chủ GIS server và nhận kết quả trả lời qua mạng truyền thông WiMAX/Wifi của đề tài hoặc qua mạng thông tin di động 3G/GPRS.

Hệ thống đo, giám sát các thông số môi trường sản xuất gồm các trạm đo, thu thập số liệu các thông số môi trường đất, khí, nước (nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, các nồng độ khí CO2, CO... và các thông số hóa lý khác) phục vụ sản xuất tại các vùng trồng cây nông lâm nghiệp hoặc các cơ sở chế biến. Số liệu được truyền về trung tâm giám sát qua kết nối WiMAX/wifi. Ngoài các chức năng đo, thu thập dữ liệu và xử lý các thông số môi trường sản xuất, hệ thống còn cung cấp dữ liệu cho dịch vụ LBS nhằm giám sát thông tin môi trường sản xuất trực quan liên tục trên nền điện toán đám mây. Hệ thống đã được thử nghiệm ở lô cao su thứ hai của Nông trường cao su 30/4 tại TP. Buôn Ma Thuột và được đánh giá tích cực cho việc hợp tác ứng dụng với Công ty cao su Đắk Lắk.

Nguồn: Khoa học phổ thông

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn