Nhận diện những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch
3:10 CH,09/11/2015

Báo Khoa Học Phổ Thông số cuối tuần-Chuyên đề Sức khỏe (KHPT-CĐSK) số 408, ra ngày 25/7/2015 ở chuyên trang Khoa học và Sức khỏe có bài viết về hướng nghiên cứu “Xây dựng bảng diểm tiên đoán hẹp động mạch vành” (của GS.TS.BS Nguyễn Đức Công; BS.CKII Lý Lệ Thanh ở bệnh viện Thống Nhất và Nguyễn Trãi thực hiện). KHPT-CĐSK số này sẽ giới thiệu tiếp cùng quý bạn đọc thêm những thông tin đáng lưu tâm về các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, trong đề tài nghiên cứu của GS.TS.BS Nguyễn Đức Công; BS.CKII Lý Lệ Thanh

 Trong nhóm các triệu chứng thường hay được nhắc đến của bệnh lý về tim mạch hiện nay như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy mạch vành… ; còn có một triệu chứng cũng nguy hiểm không kém những triệu chứng vừa nêu trên, và cũng thường hay được đề cập đến đó là bệnh tim thiếu máu cục bộ (BTTMCB).

BTTMCB là tình trạng mất cân bằng giữa cung cấp và nhu cầu oxy của cơ tim. Chủ yếu của BTTMCB là do xơ vữa động mạch vành gây hẹp đáng kể (thường là hẹp trên 50% đường kính lòng mạch) một hay nhiều nhánh động mạch vành dẫn đến sự mất cân bằng cung cầu oxy cơ tim.

Như vậy BTTMCB sẽ xuất hiện khi lưu lượng mạch vành không đủ đáp ứng nhu cầu oxy và các dưỡng chất cho chuyển hóa cơ tim, để duy trì chức năng tim một cách trọn vẹn. Hẹp lòng động mạch vành thường được xem là nguyên nhân chính gây BTTMCB. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như tình trạng tắc mạch cấp tính, co thắt mạch vành hẹp và tiến triển, co thắt vi mạch máu cũng góp phần gây ra BTTMCB.

Biểu hiện lầm sàng của BTTMCB là cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên BTTMCB có thể xảy ra mà không có đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực điển hình đặc trưng với các tính chất bao gồm: Vị trí, đau ngay sau xương ức, tính chất đau như nghiền nát, xiết chặt, bỏng rát, lan lên hầu họng, cổ, mặt trụ của cánh tay trái hoặc tay phải, vùng liên bả vai, thượng vị và hàm trên, vai. Cường độ đau của cơn đau thắt ngực cũng thường xuyên thay đổi. Từ chổ chỉ có cảm giác nặng sau xương ức, cho đến mức độ lan rộng.

Ngoài ra còn có thể có triệu chứng khó thở, hồi hộp; có khi có ngất, thậm chí là ngừng tim. Thời gian của tình trạng đau này thường là vài phút.

Nguyên nhân làm khởi phát cơn đau này thường là do bị stress, gắng sức hay xúc cảm. Tình trạng đau này sẽ thuyên giảm khi được nghĩ ngơi hay ngậm nitrates. Một số yếu tố nguy cơ khác dẫn đến xảy ra cơn đau thắt ngực còn là hút thuốc lá, tiểu đường, cao huyết áp, mỡ trong máu, tiền sử gia đình có người bị bệnh mạch vành.

Trường hợp với cơn đau thắt ngực không điển hình là chỉ có 2 trong những đặc tính vừa kể trên.

Cũng cần lưu ý đau thắt ngực là một hội chứng lâm sàng phổ biến do nhiều nguyên nhân, nhưng thường là do tình trạng tắc nghẽn động mạch vành gây nên BTTMCB. Song cũng có nhiều nguyên nhân khác không phải BTTMCB gây đau ngực có thể dẫn đến nhầm lẫn trong chẩn đoán.

Hiện nay bên cạnh yếu tố lâm sàng qua thăm khám, hỏi bệnh, việc chẩn đoán BTTMCB còn áp dụng các phương pháp cận lâm sàng khác như làm điện tâm đồ, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, xạ hình tưới máu cơ tim (một phương pháp ứng dụng y học hạt nhân), chụp động mạch vành cản quang, siêu âm tim…

Qua kết quả nghiên cứu khảo sát tại bệnh viện Thống Nhất và Nguyễn Trãi TP.HCM, nhóm nghiên cứu của GS.TS.BS Nguyễn Đức Công; BS.CKII Lý Lệ Thanh đã ghi nhận một số yếu tố nguy cơ cao của bệnh tim mạch (cơn đau thắt ngực; bệnh động mạch vành; BTTMCB…) đầu tiên là cao huyết áp, nguyên nhân này chiếm đến 79,5%; kế đó là rối loạn chuyển hóa lipid máu (hay còn gọi là mỡ trong máu) chiếm tỉ lệ là 37, 7%; hút thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ cao cho bệnh mạch vành, chiếm tỉ lệ là 48%; tiếp theo là nguy cơ từ bệnh tiểu đường, đây là nguyên nhân gây ra bệnh xơ vữa động mạch; tần suất mắc bệnh động mạch vành ở người mắc bệnh tiểu đường cao hơn người không mắc bệnh tiểu đường là gấp 2 đến 3 lần; tỉ lệ tử vong cũng cao gấp 2 lần. (kết quả khảo sát ghi nhận nguyên nhân từ tiểu đường là 27,9%).

Độ tuổi cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh động mạch vành càng lớn. Kết quả khảo sát ghi nhận tỉ lệ người bị bệnh động mạch vành, trong khoảng bằng và lớn hơn 60 tuồi chiếm tỉ lệ là 63, 1%; dưới 60 tuổi chiếm 36, 9%. Tuy nhiên cũng cần biết rằng quá trình vữa xơ động mạch đã có từ rất sớm trong cuộc sống và mức độ vữa xơ động mạch sẽ tăng dần theo tuổi.

Cũng chính vì vậy mà đã có một ghi nhận đáng chú khác là những năm gần đây số bệnh nhân trẻ tuổi bị bệnh lý tim mạch và nhồi máu cơ tim có xu hướng gia tăng. Trong độ tuổi từ 22 đến 27 là đã bị nhồi máu cơ tim.

Giới tính cũng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Theo đó nam giới có tỉ lệ mắc bệnh tim mạch do nguyên nhân xơ vữa cao gấp 2 đến 3 lần so với nữ (nữ ở độ tuổi trước mãn kinh)...

Từ kết quả nghiên cứu khảo sát này, nhóm nghiên cứu của GS.TS.BS Nguyễn Đức Công; BS.CKII Lý Lệ Thanh đã đưa ra khuyến cáo là khi có nhiều yếu tố nguy cơ vừa kể trên phối hợp trên cùng một bệnh nhân thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch nói chung, bệnh mạch vành nói riêng càng tăng cao. Như vậy việc tầm soát và điều trị (bao gồm loại trừ và hạn chế) các yếu tố nguy cơ đã nêu sẽ góp phần đáng kể vào kết quả, hiệu quả điều trị bệnh mạch vành, và quan trọng hơn cả là sẽ giảm thiểu được rất cao các biến chứng.

Nguồn: Khoa học phổ thông

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn