Chiết xuất chất "siêu ngọt", không năng lượng từ cây cỏ ngọt
3:03 CH,09/11/2015

Nhóm nghiên cứu Tôn Nữ Liên Hương, Võ Hoàng Duy, Dương Mộng Hòa, Ðỗ Duy Phúc và Nguyễn Duy Thanh, khoa khoa học tự nhiên, Trường đại học Cần Thơ đã nghiên cứu quy trình chiết xuất stevioside từ cây cỏ ngọt (Stevia rebaudiana Bertoni) trồng tại thành phố Ðà Lạt. Nghiên cứu tập trung trên hai phương pháp tinh chế sản phẩm: sắc ký cột pha thường silica gel 60 và phương pháp lọc với chất hấp thụ celite.

  Cây cỏ ngọt là 1 trong khoảng 145 loài thuộc chi Stevia, là loài cây bụi, có nguồn gốc từ Paraguay, đã được sử dụng phổ biến và làm thuốc tại Nam Mỹ. Loài Stevia rebaudiana đã được trồng ở một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia. Cây này bắt đầu được du nhập vào Việt Nam từ năm 1988. Ðến nay, giống cỏ ngọt này được trồng và phát triển trên nhiều vùng trong cả nước, từ các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Phú Thọ... cho đến các tỉnh phía Nam như Lâm Ðồng, Ðắk Lắk.

Stevioside là thành phần chủ yếu thuộc nhóm steviol glycosid, một nhóm các dẫn xuất diterpene glycosid được chiết xuất từ cây Stevia rebaudiana. Từ lâu, steviol glycosid đã được sử dụng như một nguồn chất làm ngọt không năng lượng, với độ ngọt rất cao (khoảng 200 - 300 lần đường sucrose từ mía). Ngoài ra, theo nhiều tài liệu, stevioside còn có tác dụng kháng khuẩn, giúp cải thiện các bệnh về tim mạch, huyết áp. Stevioside đã được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm tại các quốc gia tiên tiến như Nhật, Mỹ,...

Trên thế giới đã có một số công trình nghiên cứu về hoạt tính sinh học, thành phần hóa học cây Stevia rebaudiana và khảo sát cấu trúc của nhóm chất chủ yếu tạo vị ngọt. Tuy nhiên, ở nước ta hiện có rất ít nghiên cứu về loài cây cỏ ngọt này, chủ yếu khảo sát quy trình sinh trưởng của cây, và chưa có nghiên cứu nào về quy trình chiết xuất nhóm hợp chất tạo vị ngọt. Vì thế, việc nghiên cứu chiết xuất stevioside từ cây này là một việc rất cần thiết và mang tính thời sự.

Với phương pháp chiết bằng nước nóng 650C, trên nguyên liệu cỏ ngọt, trồng tại vùng Ðà Lạt, thu được cao chiết thô chứa các chất có vị ngọt, hiệu suất là 22,67%. Trong các cách tinh chế nhóm chất tạo vị ngọt, có 2 phương pháp đã được khảo sát. Quy trình tinh chế stevioside bằng sắc ký cột đạt hiệu suất 0,13%, kém hiệu quả hơn quy trình tinh chế stevioside bằng acid hóa bằng acid citric, lọc qua cột celite rồi đưa về pH = 7, với hiệu suất tinh chế là 1,28%.

Stevioside được chiết xuất từ cây cỏ ngọt và tinh chế theo 2 quy trình có độ tinh khiết cao, qua kiểm chứng trên HPLC và phổ nghiệm NMR, chứng tỏ cả 2 phương pháp đều có thể ứng dụng, tuy nhiên trong quy mô công nghiệp, việc sắc ký cột có nhiều bất lợi.

Với quy trình chiết xuất bằng nước nóng 650C và tinh chế theo phương pháp 1, sử dụng các dung môi, hóa chất rẻ, sạch, phù hợp với hướng nghiên cứu hóa học xanh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống, thiết bị kèm theo cũng không quá đắt tiền, kết quả của nghiên cứu có thể góp phần vào việc chọn giải pháp chiết xuất chất tạo ngọt từ cây cỏ ngọt, ứng dụng vào đời sống. Nhóm nghiên cứu còn đang tiếp tục những nghiên cứu về hoạt tính sinh học stevioside, nhằm tăng khả năng ứng dụng của đề tài.

Nguồn: Khoa học phổ thông

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn