Bảo đảm an ninh nguồn nước
9:26 SA,04/11/2015

Theo số liệu của Liên hợp quốc, thế giới hiện có hơn 1 tỷ người không có nước sạch để dùng; hơn 100 quốc gia và khu vực bị thiếu nước, trong đó 43 quốc gia thiếu nước nghiêm trọng. Dự kiến đến năm 2025, có khoảng 2/3 dân số toàn cầu sống ở các khu vực khó khăn về nguồn cung cấp nước.

Tại Hội thảo “An ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động” vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ - Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, chúng ta phải tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với các quốc gia ở thượng nguồn để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Trên toàn cầu, an ninh về nguồn nước đang gặp phải 4 thách thức lớn, đó là: Sự gia tăng dân số nhanh chóng làm cho nhu cầu về nước tăng lên mạnh mẽ; sự phụ thuộc vào nguồn nước, các con sông liên quốc gia (hiện nay có khoảng 150 quốc gia đang cùng sử dụng chung các nguồn nước để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống); Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ đang làm suy thoái nguồn nước, trong khi việc sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý ô nhiễm chưa được coi trọng; biến đổi khí hậu làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường.

Tại Việt Nam, bên cạnh những yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường thì tác động tiêu cực của các chính sách phát triển thiếu bền vững, quy hoạch thiếu tầm nhìn trong những thập kỷ qua cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thách thức này. Để bảo đảm an ninh nguồn nước trong kỷ nguyên nhiều biến động, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước.

Với khoảng 63% trong tổng trữ lượng 830-840 tỷ m3 nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào những động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng và sông Mê Kông. Mặc dù đã có khá nhiều các cơ chế hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước nhưng thực tế Việt Nam vẫn đang chịu nhiều sức ép do có ít lợi thế hơn trong các đàm phán về sử dụng nguồn nước quốc tế. Do đó cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để cùng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quy hoạch, điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước liên quốc gia. Đồng thời tăng cường các biện pháp ứng phó với những diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội về an ninh nguồn nước, trách nhiệm bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả...
Nguồn: Báo Công thương


Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn