Sử dụng bã nho để sản xuất nhiên liệu sinh học
10:17 SA,03/11/2015

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều phương pháp sản xuất nhiên liệu sinh học từ chất thải xenlulô như sử dụng rơm ngô và thớ gỗ để giảm tác động đến môi trường và không cạnh tranh với cây lương thực. Giờ đây, các nhà khoa học ở Ôxtrâylia đang nghiên cứu khả năng biến đổi chất thải của ngành công nghiệp sản xuất rượu vang thành nhiên liệu sinh học mà không cần trồng bất cứ loại cây nào.

Sau khi nghiên cứu thành phần của bã nho - chất thải rắn còn sót lại như vỏ, hạt và cuống nho, các nhà khoa học đã phát hiện thấy ở dạng khô, khoảng 31-54% bã nho chứa hydrat cacbon. Trong số đó, khoảng 47-80% có thể hòa tan trong nước.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu loại nho cabernet sauvignon và nho trắng sauvignon và xem xét phương pháp tiền xử lý bã nho bằng axit và enzym để tăng hiệu quả. Sử dụng axit và enzym, 1,1 tấn bã nho đã được chuyển đổi thành 400 lít etanol sinh học. Không có các chất phụ gia đó, hầu hết hydrat cacbon trong bã nho có thể được biến đổi trực tiếp thành etanol thông qua quá trình lên men cho sản lượng lên đến 270 lít cũng từ 1,1 tấn bã nho. Phần còn lại được dùng làm phân bón hoặc thức ăn gia súc.

“Sử dụng sinh khối thực vật để sản xuất nhiên liệu sinh học dạng lỏng là việc làm khó khăn vì bản chất cấu trúc phức tạp của sinh khối thường không dễ phá vỡ” Kendall Corbin - một trong các tác giả nghiên cứu nói. “Bã nho là nguồn nguyên liệu giá rẻ và dồi dào ở dạng hydrat cacbon nên dễ lên men”.

Nguồn: theo khoahocvacongnghevietnam, 8/2015.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn