Chiến lược phát triển điện hạt nhân của Trung Quốc: Giải "cơn khát" năng lượng
3:09 CH,17/08/2015

Khủng hoảng năm 2011 tại Nhật Bản làm ngưng trệ ngành công nghiệp điện hạt nhân (ĐHN) ở nhiều nước, nhưng ở Trung Quốc, nhu cầu năng lượng cao khiến lĩnh vực này vẫn phát triển "nóng". Tính đến tháng 6-2015, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số nhà máy ĐHN đang xây dựng mới, với 25 nhà máy.

Bùng nổ công nghiệp hạt nhân
Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA), tính đến tháng 6-2015, Trung Quốc đang vận hành 25 lò phản ứng ĐHN, sản lượng ĐHN năm 2014 đạt 123,8 tỷ kWh, chiếm 2,4% tổng sản lượng điện sản xuất ra của nước này. Đặc biệt, các chỉ tiêu vận hành của nhà máy ĐHN của Trung Quốc đạt mức tiên tiến của thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường tốt. Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, ĐHN chiếm 5% tổng công suất phát điện toàn quốc.
Trung Quốc bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển ĐHN từ năm 1978 và đến nay đã đạt nhiều thành công. Qua gần 40 năm, Trung Quốc đã trải qua ba giai đoạn phát triển ĐHN: Từ năm 1978 đến 2004 là giai đoạn bắt đầu xây dựng, chuẩn bị tiềm lực; từ năm 2004 đến 2011 là giai đoạn tăng tốc và phát triển với hiệu suất cao sau năm 2011 trở đi. Cụ thể: Năm 1985, Trung Quốc bắt đầu xây dựng Nhà máy ĐHN Tần Sơn (tỉnh Chiết Giang) do nước này tự thiết kế, xây dựng, lắp đặt với công suất lò phản ứng 300 MW. Ngày nay, với 5 lò phản ứng đang phát điện, Tần Sơn trở thành trung tâm năng lượng hạt nhân hàng đầu của Trung Quốc. Nhà máy này đã đáp ứng được nhu cầu năng lượng cấp thiết của vùng châu thổ sông Dương Tử, một trong những khu vực thịnh vượng và phát triển nhanh nhất Trung Quốc. 

Đến năm 2005, chính quyền Trung ương Trung Quốc ban hành quy hoạch trung, dài hạn phát triển ĐHN giai đoạn 2005-2020 theo phương châm "Tích cực phát triển ĐHN", đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ vận hành 40 triệu kW ĐHN và xây mới 18 triệu kW nhằm bổ sung cho "cơn khát" năng lượng của quốc gia đông dân nhất thế giới. Đến tháng 10-2012, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch an toàn ĐHN và "Quy hoạch phát triển trung, dài hạn ĐHN 2011-2020" sau điều chỉnh. Nước này đặt mục tiêu trong thời gian 2014-2020, mỗi năm cần xây dựng 5-6 tổ máy ĐHN, không kể các dự án quốc tế. 
Ngoài Tần Sơn, Trung Quốc hiện đang phát triển một số trung tâm ĐHN chính tại Vịnh Đại Á (tỉnh Quảng Đông), Điền Loan (tỉnh Giang Tô), Hồng Duyên Hà (tỉnh Liêu Ninh), Ninh Đức (tỉnh Phúc Kiến)… Đáng lưu ý, trình độ xây dựng, quản lý và công nghệ ĐHN của Trung Quốc đã đạt mức tiên tiến của thế giới. Việc xây dựng bảo đảm được an toàn, kiểm soát được chất lượng. Trừ các hạng mục cần sự hỗ trợ từ bên ngoài, về cơ bản công trình ĐHN được Trung Quốc triển khai đúng tiến độ phê duyệt.
Tham vọng xuất khẩu điện hạt nhân
Trung Quốc đang ở giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa ở mức cao, vì thế nhu cầu tiêu thụ năng lượng tiếp tục tăng mạnh. Thời kỳ 2006-2020, để GDP hằng năm tăng trưởng hơn 6%, Trung Quốc cần tới 9.000 tỷ kWh điện, do đó nếu không phát triển ĐHN thì sẽ khó đáp ứng nhu cầu khổng lồ này. Mặt khác, Bắc Kinh cũng phải lựa chọn ĐHN nhiều hơn như là một giải pháp để giải tỏa sức ép về giảm phát thải khí nhà kính mà cộng động quốc tế đặt ra đối với nước này.
Mặc dù là một cường quốc hạt nhân, nhưng vì đi sau nên Trung Quốc đã nhập hầu hết các loại công nghệ nguồn từ Mỹ, Nga, Pháp, Canada để học hỏi, đào tạo đội ngũ nhân lực, qua đó chọn lựa công nghệ thích hợp để tìm cách nội địa hóa rồi tiến lên thương mại hóa thành công nghệ của mình. Hiện nước này đang làm chủ công nghệ CPR-1.000 khá tiên tiến nhưng sắp tới sẽ nội địa hóa công nghệ tiên tiến hơn thuộc thế hệ III theo mẫu lò phản ứng AP-1.000 của Westinghouse, Mỹ. Ngoài ra, từ hàng chục năm nay họ đang theo đuổi một công nghệ hoàn toàn bản địa theo kiểu lò phản ứng nhiệt độ cao làm nguội bằng khí. Cách nội địa hóa ĐHN của Trung Quốc rất đáng học tập. Đó là tính nghiêm túc trong phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ, quán triệt từ trên xuống dưới, nói đi đôi với làm, từ đó tạo ra một nền công nghiệp hạt nhân có thể cạnh tranh với các nước khác.
Sau khi phát triển mạnh trong nước, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các nhà sản xuất thiết bị ĐHN nội địa mở rộng ra thị trường nước ngoài. Tháng 9-2014, Tập đoàn Công nghiệp hạt nhân Trung Quốc (CNNC) đã ký khung thỏa thuận thương mại về việc xây dựng Nhà máy ĐHN Atucha III của Argentina. Theo đó, CNNC sẽ hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp dịch vụ và trang thiết bị trị giá khoảng 2 tỷ USD để giúp xây dựng nhà máy ĐHN công suất dự kiến 800 MW tại quốc gia Mỹ La tinh. Đặc biệt, Trung Quốc cũng không ngừng đầu tư nghiên cứu, phát triển các công nghệ tương lai như lò phản ứng neutron nhanh và tham gia tích cực trong các dự án nghiên cứu quốc tế với Pháp, Mỹ, Nga, Nhật Bản. Quốc gia đông dân nhất thế giới thúc đẩy hợp tác với Pháp phát triển các lò phản ứng công suất khoảng 1.000 MW với mục tiêu xuất khẩu công nghệ hạt nhân đến các nước đang có chương trình phát triển năng lượng nguyên tử như Nam Phi. 
"Trung Quốc đang bắt đầu tiếp thị xuất khẩu một thiết kế lò phản ứng tỷ lệ nội địa hóa cao. Việc nghiên cứu và phát triển về công nghệ lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc không hề thua kém các nước khác" - WNA đánh giá.
Nguồn: Báo Hà Nội mới

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn