Để đáp ứng đổi mới công nghệ...
2:35 CH,17/08/2015

Hội đồng Kinh tế ASEAN. Đứng trước quá trình hội nhập sâu rộng, toàn diện với nền kinh tế thế giới, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, thách thức lớn nhất chính là sự phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam.


Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, trong những năm qua, các nhà khoa học đã có nhiều công trình, sản phẩm lớn, có ý nghĩa. Trong đó, một số sản phẩm sánh vai được với các cường quốc trên thế giới. Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam là một trong 4 nước sản xuất được vắc xin Rotavirus, là 1 trong 10 nước sản xuất vắc-xin H5N1, cũng là 1 trong 10 nước sản xuất và tự chủ toàn bộ vắc xin tiêm chủng phòng 6 bệnh cho trẻ em. Chúng ta đã giành được nhiều thành tựu trong kỹ thuật ghép tạng và nội soi. Trong lĩnh vực công nghiệp, các nhà khoa học Việt Nam đã tự thiết kế giàn khoan tự nâng 90m nước, 120m nước, là 1 trong 3 nước ở Châu Á và 1 trong 10 nước trên thế giới làm được điều này; tự đóng được tàu hộ vệ tên lửa tấn công nhanh trang bị cho hải quân. Có nhiều công trình đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Năm 2014, có 2 tạp chí của Việt Nam đã lọt vào danh sách tạp chí khoa học Scopus. Về khoa học cơ bản, lĩnh vực toán, nhất là các lĩnh vực toán hẹp đứng vị trí cao nhất trong khu vực.

Những người làm KH&CN ở Việt Nam thực sự đã vượt qua chính mình khi mà điều kiện nghiên cứu còn nghèo, đời sống còn khó khăn. Có thể thấy điều này qua một ví dụ rất có ý nghĩa: Theo xếp hạng về trình độ sáng tạo KH&CN của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO năm 2014 đối với 143 quốc gia thì Việt Nam được xếp thứ 71, tăng 5 bậc so với năm 2013, trong khi về GDP chúng ta xếp thứ 132/143. Và trong số 33 quốc gia có thu nhập trung bình thấp, dưới 3.000 USD/năm, Việt Nam xếp thứ 31/33 về GDP nhưng được xếp hạng 5/33 về trình độ sáng tạo KH&CN (đứng sau một số nước Đông Âu cũ). Lĩnh vực KH&CN đang ở bước ngoặt hết sức quan trọng khi Luật KH&CN đang được triển khai, cơ cấu quản lý, tổ chức KH&CN đang được đổi mới theo mô hình kinh tế thị trường, nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển đất nước trong quá trình hội nhập sâu rộng nền kinh tế toàn cầu.
Cần gấp rút đổi mới công nghệ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, việc Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua sự kiện trở thành thành viên Hội đồng Kinh tế ASEAN cuối năm nay hay hoàn thành đàm phán Hiệp định FTA, Hiệp định TPP, đem lại nhiều thách thức to lớn bên cạnh những cơ hội. Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong 12 nước tham gia TPP. Thách thức lớn nhất là sự phát triển KH&CN của Việt Nam, thông qua đó là năng suất lao động và giá trị gia tăng của nền kinh tế. Chúng ta không thể cạnh tranh nếu không được quan tâm đầu tư phát triển cho KH&CN. Thực tế cũng cho thấy các quốc gia đang cạnh tranh chủ yếu bằng trình độ phát triển, ứng dụng KH&CN và sản xuất kinh doanh, tăng năng suất, giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa. 
Bộ trưởng Nguyễn Quân cảnh báo, hiện hàng hóa của Việt Nam vẫn còn tiêu thụ được nhờ bảo hộ bằng hàng rào thuế quan và hạn chế nhập hàng hóa nước ngoài. Khi những rào cản này được dỡ bỏ thì chúng ta rất khó cạnh tranh, thậm chí ngay cả với mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như gạo. Hay trong lĩnh vực dược phẩm, khi Việt Nam tham gia TPP, các hãng thuốc trên thế giới đều có quyền tham gia một cách bình đẳng, khiến cho dược phẩm trong nước rất khó để cạnh tranh. Yếu tố then chốt của cuộc cạnh tranh này là chất lượng và giá thành và 2 yếu tố này đều phụ thuộc vào công nghệ. Chính vì vậy, việc đổi mới công nghệ là vô cùng bức thiết khi Hiệp định TPP chỉ còn 2,5 năm nữa sẽ được thi hành. Nếu không chuẩn bị tốt thì khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ cho các công ty nước ngoài. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng việc này lẽ ra phải được chuẩn bị sớm hơn vài năm, nay cần được tăng tốc thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của tình hình. Ngoài ra, đổi mới công nghệ không chỉ là thay thế máy móc cũ mà còn phải đi kèm một hệ thống quản lý và một nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn