Keo phẫu thuật hàn gắn vết thương chảy máu trong vòng 1 phút
10:41 SA,04/08/2015

Khả năng bám dính rất chắc vào các bề mặt dưới nước của con trai từ lâu đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học. Nếu khả năng này được mô phỏng trong phòng thí nghiệm, có thể thấy sự ra đời của các chất kết dính mới với vô số ứng dụng. Lấy cảm hứng từ thiên nhiên, một nhóm các nhà khoa học Hàn Quốc đã phát triển loại keo phẫu thuật, được cho là có giá thành rẻ, đáng tin cậy và ít để lại sẹo hơn các giải pháp hiện có.

 Trong phẫu thuật, vết khâu và ghim y tế giúp liên kết mô của cơ thể rất hiệu quả, nhưng chúng để lại sẹo và thường không phù hợp khi điều trị da và các cơ quan nhạy cảm. Những trở ngại này đã thúc đẩy việc chế tạo các chất kết dính đủ để liên kết mô trong môi trường ẩm ướt mà không cần kích hoạt các phản ứng hóa học có hại.

Các protein được con trai sử dụng để bám vào đá và tàu thuyền đã trở thành trọng tâm của nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này. Năm 2009, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học North Carolina đã tiết lộ công trình nghiên cứu nhằm phát triển chất kết dính tổng hợp, kết hợp các protein của con trai với công nghệ máy in phun. Viện công nghệ Massachusetts cũng tạo ra các chất kết dính chịu nước dựa vào protein của sinh vật này.

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học khoa học và công nghệ Pohang đã áp dụng một phương pháp khác, mô phỏng các giao điểm của axit amin gọi là tyrosine trong cánh chuồn chuồn và lớp biểu bì của côn trùng. Chúng được tạo ra bằng cách cho tiếp xúc với ánh sáng nhìn thấy, một quá trình vừa làm tăng độ bền lẫn độ kết dính.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi lấy các protein của con hàu chứa đầy tyrosine và cho tiếp xúc với ánh sáng xanh nhìn thấy, phản ứng quang hóa làm cho chúng ghép thành cặp ngay tức thì tạo thành các giao điểm tyrosine. Kết quả cho ra đời vật liệu có cấu trúc ổn định và đặc tính kết dính tốt hơn gọi là LAMBA. Vật liệu này đã được chứng minh ưu việt hơn so với các loại keo phẫu thuật hiện có. Trong thử nghiệm trên động vật, keo có thể hàn gắn vết thương trong vòng chưa đầy 60 giây và không gây viêm hoặc để lại sẹo.

Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Biomaterials.

Nguồn: theo Nasati, ngày 30/7/2015.

 

 

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn