Sản xuất chế phẩm men sinh học tổng hợp BIO-MIX
4:37 CH,22/07/2015
Tác giả Lê Văn Tri và các cộng sự thuộc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học đã làm chủ "Công nghệ sản xuất và ứng dụng chế phẩm hương liệu men sinh học tổng hợp BIO-MIX để xử lý phân thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, bón cho cây trồng nhằm bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững".

Lần đầu ở Việt Nam, các tác giả đã tạo ra tổ hợp vi sinh vật từ các chủng phân lập được tạo ra chế phẩm BIO-MIX có hoạt tính khử độc tố xử lý ô nhiễm môi trường, phân giải hữu cơ cao, tạo mùn hữu cơ chất lượng cao (Bằng độc quyền sáng chế số 7913). Sử dụng chế phẩm BIO-MIX xử lý phân thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung gây ra đồng thời còn tạo được nguồn phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng phục vụ nhu cầu chăm sóc cây trồng và cải tạo độ phì nhiêu của đất.

Đập thủy điện làm tăng nguy cơ tuyệt chủng động vật

Các đập thủy điện có thể làm tuyệt chủng tới 70% số động vật hoang dã sinh sống tại khu vực lân cận. Đây là kết quả nghiên cứu được công bố ngày 1-7 trên Tạp chí PLOS ONEcủa Mỹ. Nghiên cứu dựa trên quan sát nhiều loài động vật hoang dã tại rừng mưa nhiệt đới Amazon, gần đập thủy điện Ban-bi-na của Bra-xin. Đập này đã tạo ra một trong những hồ thủy điện lớn nhất thế giới là hồ Ban-bi-na bằng cách làm ngập nước một khu vực đất rừng và chia khu vực này thành 3.546 hòn đảo. Trừ những hòn đảo lớn nhất, tại những hòn đảo còn lại, sự thay đổi cảnh quan đã khiến cho nhiều loài động vật có vú, các loài chim và rùa cạn bị tuyệt chủng trong hơn 26 năm qua. Nghiên cứu này cho rằng nhiều khả năng sẽ có tới gần ba phần tư số động vật hoang dã trong khu vực này bị biến mất do sự tồn tại của đập Ban-bi-na.

Lai tạo thành công giống chuối giàu dưỡng chất

Nhật báo The Starcủa Nam Phi số ra mới đây đưa tin các nhà khoa học U-gan-đa đã đưa công nghệ sinh học tiến xa thêm một bước khi cấy ghép thành công loại chuối có lượng vi-ta-min A và sắt cao gấp bốn lần so với các loại chuối tự nhiên. Giống chuối mới cho quả có mầu giống mầu cà rốt. Để sản xuất giống chuối này, các nhà khoa học đã tách các gien của cà rốt và cấy chúng trên chuối để tạo thành một giống chuối biến đổi gien. Theo các nhà khoa học thuộc Phòng Thí nghiệm Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc gia U-gan-đa (NARO), giống chuối mới không chỉ giàu vi-ta-min A và sắt mà còn có khả năng kháng lại loại giun tròn, sinh vật có thể làm giảm tới 60% sản lượng mùa màng ở U-gan-đa.

Giám đốc nghiên cứu của NARO ông An-đriu Ki-gun-đu cho biết, giống chuối mới sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu dinh dưỡng của người dân U-gan-đa và giảm khoảng 40% thiệt hại về sản lượng cho nông dân so với việc trồng giống chuối truyền thống.

Nguồn: Báo Nhân dân

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn