Nghiên cứu ứng dụng siêu âm nội mạch trong can thiệp mạch vành tại Việt Nam
10:41 SA,29/06/2015

Hiện nay bệnh tim mạch đã và đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại các quốc gia phát triển. Tại các nước đang phát triển bệnh này có xu hướng gia tăng nhanh. Dù y học ngày nay đã có nhiều tiến bộ, đã có nhiều phương pháp chữa trị hữu hiệu, nhưng tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch vẫn ở mức khá cao, chiếm đến 34,2 % số tử vong chung trên toàn thế giới mỗi năm. Tại Việt Nam, cũng như các quốc gia đang phát triển khác, tỉ lệ bệnh tim mạch, cụ thể là bệnh động mạch vành đã và đang gia tăng. Nền kinh tế xã hội càng phát triển thì bệnh động mạch vành cũng ngày một tăng nhanh...


Nguyên nhân chính của bệnh động mạch vành là xơ vữa động mạch.Mãng xơ vữa làm dầy thành động mạch, xâm lấn dần vào trong lòng mạch gây hẹp khẩu kính, dẫn đến giảm lưu lương dòng chảy gây triệu chứng thiếu máu cục bộ cơ tim. Mảng xơ vữa cũng có thể bị rách, vỡ tạo điều kiện hình thành huyết khối gây bít tắc lòng mạch, dẫn đến biến chứng nặng nề là nhồi máu cơ tim cấp.

PGS.TS.BS Võ Thành Nhân và nhóm cộng sự ở khoa tim mạch can thiệp, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM vừa hoàn tất đề tài nghiên  ứng dụng siêu âm nội mạch trong can thiệp mạch vành tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này góp phần làm rõ việc đánh giá tính hiệu quả và an toàn của kỹ thuật siêu âm nội mạch (IntraVascular UltraSound- IVUS)- một phương tiện hỗ trợ hình ảnh trong chẩn đoán, hướng dẫn can thiệp mạch vành qua da; thiết thực góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân tim mạch, và động mạch vành tại Việt Nam.

 Theo PGS.TS.BS Võ Thành Nhân có nhiều phương pháp được dùng để chẩn đoán bệnh động mạch vành, từ bệnh sử của cơn đau thắt ngực, đến các xét nghiệm chẩn đoán không xâm lấn như điện tâm đồ, siêu âm, xạ hình tưới máu cơ tim, chụp cộng hưởng từ, và các xét nghiệm chẩn đoán xâm lấn như chụp mạch cản quang qua da.

Mỗi xét nghiệm kể trên đều có những ưu và nhược điểm riêng. Chẳng hạn với kỹ thuật chụp động mạch vành cản quang qua da, được xem như là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán bệnh xơ vữa động mạch vành, cũng như cung cấp những thông tin về giải phẫu cần thiết, qua đó làm cơ sở cho những hướng trị liệu phù hợp bằng điều trị nội khoa, hay ngoại khoa bằng kỹ thuật can thiệp động mạch vành, hoặc phẫu thuật bắc cầu nối chủ-vành ở bệnh nhân bị bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Tuy vậy chụp mạch vành cản quang cũng có những hạn chế nhất định như chỉ cho thấy hình ảnh lòng động mạch vành khi được bơm đầy chất cản quang, mà không cho thấy đặc điểm của thành mạch, cũng như đặc điểm của mãng xơ vữa.

Một kỹ thuật khác là siêu âm nội mạch (IVUS) hiện nay đang được sử dụng nhiều vì có nhiều ưu điểm, được xem như là một công cụ hỗ trợ việc chụp mạch máu trong chẩn đoán và điều trị can thiệp bệnh động mạch vành. Kỹ thuật IVUS đưa đầu dò siêu âm vào trong lòng mạch vành, IVUS cho hình ảnh rõ nét và trung thực về lòng mạch, thành mạch, cấu trúc lân cận của động mạch vành. 

IVUS được ghi nhận là có độ chính xác cao, có thể tiến hành lại được nhiều lần trong đánh giá cấu trúc thành động mạch vành và các bệnh lý có liên quan, cũng như sự thay đổi trước và sau can thiệp động mạch vành.

Một số nghiên cứu khảo sát trên thế giới đã ghi nhận khả năng vượt trội của IVUS trong hỗ trợ, chẩn đoán bệnh động mạch vành. Can thiệp động mạch vành dưới sự hướng dẫn của  IVUS mang lại kết quả tối ưu hơn can thiệp động mạch vành chỉ với sự hướng dẫn của chụp mạch cản quang.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu, khảo sát trên 140 bệnh nhân (có chỉ định chụp mạch vành, và sau khi chụp mạch vành, có chỉ định làm IVUS) được lựa chọn theo trình tự thời gian tại bệnh viện Chợ Rẫy. Bước đầu nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được một số giá trị ứng dụng của IVUS trong điều trị can thiệp bệnh động mạch vành như sau:

IVUS giúp xác định được các sang thương hẹp trung bình cần can thiệp và các tổn thương không cần can thiệp. Việc đo trực tiếp diện tích lòng mạch nhỏ nhất trên IVUS đã giúp cho việc có thể thay đổi hướng điều trị bệnh động mạch vành trong một số trường hợp. IVUS giúp lựa chọn kích thước stent, và đánh giá kết quả sau can thiệp...

Nguồn: NASATI, ngày 22/6/2015.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn