Nghiên cứu quy trình công nghệ xử lý tập trung nước thải công nghiệp có thể xử lý bằng vi sinh
3:17 CH,09/04/2015

Chủ nhiệm đề tài: TS. Hoàng Đông Nam, TS. Nguyễn Như Nam

Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp thực phẩm hiện nay gặp khó khăn trong việc xử lý triệt để các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, nhất là các loại chất thải có mức độ ô nhiễm cao như nước thải thử nghiệm sản phẩm mới, sản phẩm hư hỏng, sản phẩm quá hạn sử dụng... Xuất phát từ thực tế này, đề tài thực hiện nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học, trên cơ sở kết quả sử dụng dung dịch sắt (II) clorua, bùn đỏ Nhà máy Hóa chất Tân Bình và cỏ lông tây.

Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát chế độ làm việc và thông số kỹ thuật của hồ kỵ khí hoạt động trong môi trường huyền phù sắt (III) hydroxit; phân lập và nuôi cấy hệ vi sinh kỵ khí khử sắt (III) chuyển hóa chất hữu cơ và chuyển hóa amoniac có trong hồ kỵ khí; khảo sát chế độ làm việc của hồ sinh học có chiều sâu lớn; nghiên cứu sử dụng bùn lắng trong hệ thống xử lý nước làm phân bón hữu cơ. Đồng thời cũng nghiên cứu đưa ra quy trình công nghệ mới xử lý tập trung nước thải công nghiệp không nguy hại dựa trên 3 công đoạn xử lý bằng vi sinh: phương pháp kỵ khí, phương pháp hiếu khí và hồ sinh học.

Kết quả cho thấy, phương pháp kỵ khí sử dụng hệ vi sinh khử sắt (III) có các ưu điểm là rất ít tạo khí H2S và khí CH4, giá trị pH thay đổi nhỏ, có thể lưu nước thải trong thời gian lâu, làm giảm hàm lượng amonia trong nước thải. Từ bùn hồ kỵ khí đã phát hiện, phân lập và nuôi nguồn vi khuẩn khử sắt (III) phân hủy chất hữu cơ loại Geobacter sp. RHL6 có hoạt lực cao. Khảo sát hoạt động xử lý của hồ sinh học phủ cỏ lông tây có chiều sâu lớn cho thấy, hồ hoạt động hiệu quả với nước thải loại C và B. Với nước thải loại C, ở lưu lượng 10 m3/giờ, thời gian lưu nước xấp xỉ 1 ngày đêm, năng suất xử lý COD đạt 5.660 kg/ha/ngày, nitơ 1.820 kg/ha/ngày, photpho 418 kg/ha/ngày; nước thải loại B, năng suất xử lý COD 2.600 kg/ha/ngày, nitơ 492 kg/ha/ngày, photpho 162 kg/ha/ngày. Ở lưu lượng 4 m3/ngày, thời gian lưu gần 2 ngày, năng suất xử lý COD là 3.640 kg/ha/ngày, nitơ 828 kg/ha/ngày, photpho 214 kg/ha/ngày. Hồ sinh học phủ cỏ lông tây có thể xử lý nước thải đến loại A theo QCVN 40-2011/BTNMT. Nguồn bùn lắng trong hệ thống xử lý nước thải không nguy hại, sau khi được xử lý hoàn toàn có thể sản xuất được phân hữu cơ sinh học hoặc hữu cơ vi sinh đạt chất lượng tốt. Quy trình sản xuất phân bón hữu cơ sinh học và hữu cơ vi sinh từ bùn thải không quá phức tạp, vừa tham gia xử lý chất thải cho thành phố, góp phần bảo vệ môi trường, vừa có thể cung cấp cho ngành trồng trọt loại phân bón có chất lượng với giá thành phù hợp.

Nhóm tác giả cũng đã tính toán thiết kế quy trình công nghệ và xây dựng hệ thống có khả năng xử lý hiệu quả các loại nước thải công nghiệp bằng phương pháp vi sinh với công suất 400 m3/ngày-đêm. Qua tính toán cho thấy, bằng xử lý kỵ khí ở giai đoạn đầu cho phép hạ nhanh hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước thải có nồng độ ô nhiễm cao. Hệ thống hồ sinh học sử dụng các loài thực vật địa phương như cỏ lông tây, rong đuôi chồn có khả năng xử lý tốt nitơ, amoni, photpho cùng nhiều thành phần ô nhiễm hóa học hoặc hữu cơ khác. Hệ thống có kết cấu đơn giản, dễ thi công, vận hành, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của nước ta, có thể sử dụng để xử lý cho nhiều loại nước thải khác nhau.

Nguồn: STINFO Số 4/2015

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn