40 năm Khoa học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh: Chip điện tử thương hiệu Việt - biến điều khĩng tưởng thđnh hiện thực
3:27 CH,08/04/2015

Sự ra đời của chip điện tử SigmaK3, năm 2007 là cột mốc đánh dấu việc chấm dứt thời kỳ thuần túy lắp ráp gia công suốt 30 năm qua của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Đây là sản phẩm của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM).

au khi SigmaK3 ra đời, Sở khoa học - công nghệ TP.HCM đã phối hợp với ICDREC tổ chức giới thiệu dự án “Thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý thương mại SG-8V1.” Đây được xem là dòng sản phẩm chip vi xử lý thương mại mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên. Dự án do ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc ICDREC làm chủ nhiệm. Dự án này xuất phát từ thành công của đề tài vườn ươm cấp Đại học quốc gia TP.HCM “Nghiên cứu thiết kế lõi IP và chế tạo thử nghiệm chip 8-bit RISC SigmaK3”, nhằm nâng cấp và hoàn thiện tính năng chip SigmaK3 để sản xuất với số lượng lớn cho mục đích thương mại, với tên gọi SG-8V1 (Sai Gon-8 bit-Version 1).

Kể từ con chip thuần Việt đầu tiên, ICDREC đã tiến một bước dài trên con đường đưa công nghệ vi mạch Việt Nam gia nhập vào cuộc đua trên phạm vi khu vực và thế giới. Những con chip thương mại Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường như chip VN8-01, SG-8V1, VN l632, chip sinh học... bước đầu được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như công nghiệp, y tế, viễn thông với các sản phẩm điển hình như máy giặt, máy điều hòa không khí, remote tivi, hệ thống điều khiển quảng cáo, điều khiển motor, các thiết bị thu phát từ xa công suất thấp...

Năm 2014, chip vi điều khiển thương mại SG8V1 đã chính thức được thương mại hóa trên thị trường, với tính năng và thông số cao hơn chip tương đương của nước ngoài, nhưng giá bán chỉ bằng hai phần ba. Đặc biệt, chip vi điều khiển SG8V1 đã xuất sắc vượt qua các sản phẩm khác để giành giải nhất Nhân tài đất Việt 2014 ở hạng mục sản phẩm công nghệ thông tin thành công, dành cho các sản phẩm đã thương mại và có thị trường nhất định.

Bên cạnh những thành tựu khoa học đó, ICDREC còn là một mô hình trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ thành công của ĐHQG-HCM. Với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, ICDREC đã lớn mạnh trên chính năng lực chuyển giao công nghệ của mình, đồng thời đóng vai trò đáng kể trong chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TP.HCM, góp sức trong quá trình thành lập trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch Đà Nẵng, trong những năm tới sẽ tiếp tục giúp đỡ một số tỉnh thành miền Trung phát triển công nghệ vi mạch...

Trên cơ sở sự thành công của vi điều khiển thương mại SG8V1, Trung tâm ICDREC đang tập trung phát triển và kinh doanh các lĩnh vực chủ lực cho dòng sản phẩm chip 8 bit.

Mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ hơn 20 tỷ con chip các loại, đây là cơ sở để TP.HCM quyết tâm phát triển ngành công nghiệp vi mạch với mong muốn trở thành một ngành kinh tế chủ lực, ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.Trước đó, ngay từ cuối năm 2012, UBND TP.HCM đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TP.HCM giai đoạn từ năm 2013 - 2020 với 7 chương trình, đề án: đào tạo thiết kế vi mạch; ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; phát triển thị trường vi mạch; nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch; xây dựng nhà máy sản xuất chip; xây dựng nhà thiết kế (design house). Không chỉ dừng lại ở đó, chương trình này sẽ bổ sung thêm 3 đề án: phát triển sản phẩm đầu cuối sử dụng vi mạch điện tử; phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm vi mạch (Lab - to - Fab); phát triển sản phẩm vi cơ điện tử (MEMS).

Thông qua những dự án này, TP.HCM đã tạo ra một hệ sinh thái cho ngành công nghiệp vi mạch, đồng thời khẳng định quyết tâm của thành phố trong công cuộc phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, và là địa phương đi đầu trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, chương trình này đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan ở trung ương, các hiệp hội trong nước, các tổ chức doanh nghiệp và các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước. Hàng loạt sản phẩm và các ứng dụng đã được tạo ra trong hai năm đầu của chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM. Trong đó, có sản phẩm đã được thương mại hóa, tạo ra bước ngoặt cho ngành công nghiệp vi mạch tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Đơn cử như các sản phẩm chip SG-8V1, KIT DE-8V1, khóa container CTS-01, thiết bị giám sát hành trình xe máy (X100) và ôtô (X200), modem thu thập dữ liệu DCM, hệ thống quản lý ứng dụng RFID, thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ, điện kế điện tử 1 pha SEM1-MD và 3 pha SEM3-MC…

Theo ông Lê Mạnh Hà, phó chủ tịch UBND TP.HCM, trưởng ban chỉ đạo Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TP.HCM, đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển chung, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP.HCM; qua đó sẽ củng cố vị thế của TP.HCM là mũi nhọn phát triển kinh tế, khoa học và kỹ thuật của cả nước. Kết quả này của TP.HCM đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip trên thế giới, vươn lên vị trí thứ ba trong khu vực ASEAN về thiết kế vi mạch.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ đầu tư không hạn chế về kinh phí nhằm mở rộng thị trường, đồng thời mở ra những cơ chế, chính sách thuận lợi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để TP.HCM trở thành đơn vị đi đầu trong cả nước về lĩnh vực công nghệ vi mạch.

Nguồn: Khoa học phổ thông, ngày 7/4/2015
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn