Bình Thuận: Nuôi lươn không bùn kết hợp nuôi cá trê
3:49 CH,07/04/2015

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng trong vài năm gần đây đã được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng với nhiều hình thức khác nhau và cho kết quả rất khả quan. Trong đó, nhiều mô hình nuôi lươn theo kiểu không cần bùn này đã đem lại lợi nhuận cao giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu ở các địa phương như: Vĩnh Long, Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trảng Bàng - Tây Ninh và nhiều nơi trong cả nước.

Tháng 7/2014, bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ của địa phương, Phòng Kinh tế thành phố Phan Thiết đã chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN tổ chức triển khai mô hình nuôi lươn không bùn, sử dụng thức ăn thừa kết hợp nuôi cá trê tại hộ bà Đoàn Thị Thu Sương - xã Tiến Thành, Phan Thiết. Thông qua mô hình, đơn vị đã phối hợp cùng với hộ dân thiết kế 3 bể xi măng nuôi lươn không bùn với tổng diện tích 18 m2, thả 90 kg lươn giống, đồng thời hướng dẫn cho hộ dân cách chăm sóc, nuôi dưỡng lươn giống thành lươn thương phẩm. Cùng với việc nuôi lươn, một hồ nuôi cá trê với diện tích 20 m2 cho khoảng 8 kg cá trê giống thả nuôi được bố trí cạnh các bể nuôi lươn với hệ thống cấp nước được sử dụng từ nguồn nước thải ra từ các bể nuôi lươn. Với quy trình kỹ thuật nuôi rất đơn giản, thức ăn cho lươn là cám thực phẩm cùng với cá tạp được phối trộn theo một tỷ lệ thích hợp. Mỗi ngày chỉ cho lươn ăn một lần, thông thường vào lúc 5 giờ chiều, sau đó khoảng 2 tiếng thì vệ sinh bể nuôi, nước thải cùng với thức ăn thừa từ bể nuôi lươn sẽ là nguồn cung cấp thức ăn chính cho hồ nuôi cá trê. Với quy trình nuôi như vậy, thức ăn sẽ được sử dụng triệt để nhằm mang lại hiệu quả đầu tư.

Trao đổi với chúng tôi, bà Sương (chủ hộ thực hiện mô hình) cho biết: Nuôi lươn không bùn kết hợp với nuôi cá trê rất dễ làm, ít tốn công chăm sóc, mỗi ngày chỉ dành khoảng 2 tiếng để cho ăn và vệ sinh bể nuôi lươn. Việc phòng và trị một số bệnh thường gặp trên lươn cũng khá dễ dàng vì đã có các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, do đó các hộ nuôi lươn có thể tự phòng và trị các bệnh này.

Được biết, đến nay qua hơn 4 tháng thả nuôi, gia đình bà Sương đã xuất bán khoảng 180 kg lươn thương phẩm cho đầu mối tại các chợ trên địa bàn thành phố với giá trung bình mỗi kg dao động từ 120 - 130.000 đồng. Hiện tại, số lươn còn lại trong các bể còn khoảng hơn 100 kg và cá trê thương phẩm được gia đình tiếp tục chăm sóc và dự kiến bán trước Tết Nguyên Đán. Bà Sương cũng cho biết thêm: Khi thả nuôi lươn, cá trê nên tính toán thêm đến thời gian xuất bán vào các thời điểm lễ, tết thì giá bán sẽ cao hơn. Qua mô hình đã có vài kinh nghiệm nên trong thời gian đến gia đình sẽ tiếp tục tự đầu tư tiền để mua giống lươn, cá trê về nuôi.

Với lợi thế về nguồn thức ăn chính cho lươn là cá tạp có quanh năm và rẻ, bên cạnh đó đầu ra hiện nay khá ổn định, có thể xem đây là điều kiện thuận lợi để bà con tại xã Tiến Thành và một số vùng lân cận có thể áp dụng, nhân rộng mô hình để tăng thu nhập hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Nguồn: Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam, ngày 3/4/2015
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn