Ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ: Cần chính sách hỗ trợ tích cực
3:45 CH,07/04/2015

Khó khăn về tài chính, nhân lực (thiếu nhân lực quản lý và chuyên gia tư vấn), thủ tục phức tạp… là những yếu tố làm cản trở việc phát triển doanh nghiệp. Vì vậy rất cần có chính sách hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp mới khoa học công nghệ (KHCN).

Đánh giá cao vai trò của KHCN trong sự phát triển nền kinh tế, những năm qua, nhà nước đã có nhiều chính sách, nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là việc phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, việc phát triển doanh nghiệp KHCN vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Vấn đề này được các chuyên gia đưa ra bàn tại hội thảo “Xây dựng chính sách hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Tại đây, các chuyên gia đề cập nhiều vấn đề như: hiện trạng hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KHCN tại Việt Nam; cơ sở lý thuyết cho việc đánh giá hoạt động và đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển đề xuất chính sách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho hoạt động ươm tạo; xây dựng mạng lưới cơ sở ươm tạo theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng mạng lưới câu lạc bộ khởi nghiệp tại các trường đại học; hỗ trợ hoạt động ươm tạo của Dự án “Hỗ trợ chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp”.

Về hiện trạng hoạt động này tại Việt Nam, các đánh giá cho thấy, hầu hết các cơ sở hiện gặp khó khăn về tài chính, nhân lực (thiếu nhân lực quản lý và chuyên gia tư vấn), thủ tục phức tạp,… Chính vì vậy, đã có nhiều đề xuất về các chính sách hỗ trợ hoạt động và xây dựng lộ trình phát triển ươm tạo doanh nghiệp KHCN tại Việt Nam.

Theo các đề xuất, thì việc phát triển các cơ sở ươm tạo cần có hành lang pháp lý thuận lợi, xây dựng quỹ hạt giống (vốn mồi), xã hội hóa hoạt động ươm tạo, cần khuyến khích hỗ trợ khu vực khối tư nhân đầu tư cho hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KHCN. Đồng thời, giảm hỗ trợ phần cứng, tập trung cho dịch vụ chuyên môn; quản lý cơ sở ươm tạo theo mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hỗ trợ chi phí sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên môn chất lượng cao cho các doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý với nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, thu thập và cập nhật dữ liệu hoạt động của các cơ sở ươm tạo; cho phép các doanh nghiệp liên kết với nhau hoặc liên kết với viện, trường để thành lập Quỹ phát triển KH&CN chung, trong đó có hoạt động ươm tạo.

Trong khuôn khổ hội thảo, cùng với lễ ra mắt là Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp” (BIPP). Dự án này được Chính phủ Vương quốc Bỉ cam kết tài trợ 4.000.000 EURO, từ nguồn ODA không hoàn lại, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác định hướng Việt Nam - Bỉ giai đoạn 2011-2015. Dự án được triển khai trong thời gian từ năm 2015 - 2019. Với mục tiêu hỗ trợ là xây dựng một môi trường hài hòa cho các doanh nghiệp KHCN vừa và nhỏ trên cơ sở hoàn thiện khung pháp lý, tạo cơ chế gắn kết cho việc thành lập, vận hành các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp KHCN vừa và nhỏ tại Việt Nam.

BIPP được kỳ vọng sẽ đóng góp vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế và sớm trở thành nước công nghiệp hóa nhờ lực lượng các doanh nghiệp KHCN mạnh. Đồng thời góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Vương quốc Bỉ và Việt Nam.

Nguồn: Báo công thương, ngày 7/4/2015
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn