Thanh tra Bộ KH-CN: Xâm phạm sở hữu trí tuệ đáng báo động
2:49 CH,03/04/2015

Xâm phạm sở hữu trí tuệ đang là hiện tượng đáng báo động khi có tới 32.000 vụ vi phạm và việc xâm phạm ngày càng trở nên nhiều hơn. Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho biết.

Ngày 2-4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức họp báo thường kỳ quý 1, giải đáp nhiều vấn đề “nóng” đang được xã hội quan tâm.

Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, sở hữu trí tuệ được xác định có vai trò quan trọng, và là động lực của phát triển kinh tế xã hội, vì vậy Bộ đã tích cực xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là việc tham gia Chương trình hành động phòng và chống, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2012-2015 (Chương trình 168)...

Tuy nhiên hiện nay, công tác thanh tra gặp khó khăn khi hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ phổ biến tập trung nhiều vào nhãn hiệu hàng hóa. Bên cạnh đó, các vi phạm liên quan đến hàng giả như làm giả các thương hiệu thế giới, người làm công tác thanh tra nhìn bên ngoài không thể phân biệt được với hàng thật, vì vậy phải mời chuyên gia của hãng để xác nhận thật - giả, điều này cũng là thách thức đối với công tác thanh tra sở hữu trí tuệ.

Theo ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN, chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chủ yếu xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe, có trường hợp vi phạm bị xử lý xong lại tiếp tục vi phạm và chấp nhận nộp phạt. Để tương thích với quốc tế, Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng nâng cao hiệu quả xử lý xâm phạm sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.

Nhiều vấn đề xã hội đang quan tâm đã được lãnh đạo Bộ KH-CN cùng các đơn vị trong ngành đã giải đáp như: nhập khẩu máy móc, thiết bị; kết luận thanh tra việc quản lý sử dụng vốn tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, vấn đề thanh tra chuyên đề năm 2015, các vấn đề liên quan đến luật sở hữu trí tuệ, chế tài đủ mạnh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập khu vực ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đặc biệt, trong vấn về nhập khẩu máy móc thiết bị, Bộ KH-CN khẳng định, việc ban hành Thông tư 20 là cần thiết. Nhưng sau khi phát hành Thông tư, có rất nhiều ý kiến khác nhau trong xã hội đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài. Nhiều người cho rằng đây là một rào cản đối với doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa máy móc. Thủ tướng đã yêu cầu tạm dừng thi hành và hiện Bộ KH-CN đã xây dựng lại Thông tư này, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 4 hoặc quý II năm này.

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc cho biết, năm 2015 sẽ tập trung vào các hoạt động trọng điểm như tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, tiếp tục đầu tư phát triển mạnh tiềm lực KH-CN quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, phát triển thị trường KH-CN; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về các lĩnh vực: chất lượng sản phẩm hàng hóa, giải mã công nghệ, hoạt động xuất nhập khẩu…

Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 2/4/2015

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn