Qui trình tăng độ bền của thủy tinh
2:59 CH,26/03/2015

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường khoa học kỹ thuật và ứng dụng Henry Samueli, Đại học Califoria, Los Angeles, Hoa Kỳ và Đại học Pierre và Marie Curie, Pháp đã đưa ra phương pháp chế tạo thủy tinh có độ bền cao. Nghiên cứu có thể dẫn đến sự ra đời của màn hình, sợi cáp quang, cửa sổ và những vật liệu khác chắc chắn hơn, kể cả xi măng.

 Thủy tinh là chất lỏng được làm mát trong quá trình chế tạo để đạt đến trạng thái “chất lỏng đông lạnh” ổn định. Tuy nhiên, khi thủy tinh tiếp xúc với những thay đổi nhiệt độ và bị lão hóa, nó sẽ biến đổi hình dạng. Nghĩa là theo thời gian, cửa sổ và màn hình kỹ thuật số có thể bị biến dạng và thải loại. Trong trường hợp của xi măng có cấu trúc phân tử giống thủy tinh, sự giãn nở sẽ dẫn đến hiện tượng nứt và mất tính toàn vẹn cấu trúc trong các cây cầu và tòa nhà.

 Nhóm nghiên cứu đã xác định được những điều kiện tối ưu để chế tạo thủy tinh và xi măng lâu bền hơn. Bằng cách thực hiện các mô phỏng máy tính kiểm tra động lực phân tử của vật liệu thường được sử dụng để sản xuất thủy tinh, các nhà nghiên cứu đã xác định các mức ứng suất tốt nhất để vật liệu vẫn duy trì các tính chất tương tự như thời điểm nó được sản xuất cho dù phải tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ theo thời gian.

 Bauchy nói: "Phát hiện quan trọng của nghiên cứu là nếu bạn sử dụng các điều kiện (ứng suất và thành phần vật liệu) thích hợp, bạn có thể chế tạo thủy tinh ít bị lão hóa theo thời gian”.

 Nghiên cứu tác động lớn đến việc giảm phát thải khí nhà kính. Theo Hiệp hội gốm Hoa Kỳ, sản xuất xi măng và bê tông chiếm gần 5% tổng phát thải khí nhà kính. 

Nguồn: NASATI, ngày 24/3/2015

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn