Cảm biến phát hiện xyanua chỉ trong vòng hơn 1 phút
3:04 CH,24/03/2015

Xyanua là chất độc nguy hiểm. Một người có thể sẽ chết trong vòng 30 phút nếu bị phơi nhiễm xyanua. Trong khi đó, xét nghiệm thông thường để xác định việc phơi nhiễm mất đến 24 giờ. Nhưng, giờ đây, PGS. Brian Logue thuộc trường Đại học South Dakota, Hoa Kỳ đã chế tạo được cảm biến phát hiện xyanua trong máu chỉ trong vòng 70 giây.

 Khi mẫu máu hoặc mẫu nước chứa xyanua được đưa vào thiết bị cảm biến, axit trong thiết bị sẽ biến đổi xyanua thành dạng khí. Sau đó, khí lưu lại trong vật liệu nền và phản ứng với một chất hóa học khác, khiến cho nó phát huỳnh quang khi tiếp xúc với ánh sáng. Đo cường độ phát quang có thể xác định nồng độ xyanua.

 Kết quả thử nghiệm trên thỏ cho thấy cảm biến có khả năng phát hiện phơi nhiễm xyanua với độ chính xác tuyệt đối, thậm chí khi xyanua có nồng độ thấp hơn 200 lần nồng độ gây chết người.

 Kế hoạch thử nghiệm trên động vật kích thước lớn hơn dự kiến sẽ được thực hiện. PGS.Logue hy vọng có thể giảm thời gian xét nghiệm xuống dưới 1 phút và tìm cách phát hiện xyanua trong các mẫu nước bọt vì chất độc này thường thâm nhập vào cơ thể qua đường miệng hoặc mũi.

 Cảm biến phát hiện xyanua được phát triển nhằm vào các đối tượng như lính cứu hỏa, dễ bị phơi nhiễm xyanua trong khi dập lửa tại các khu công nghiệp. 

Nguồn: NASATI, ngày 23/3/2015
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn