Thiếu thông tin về nhãn xanh
2:51 CH,24/03/2015

Tại Hà Nội, Hội đồng các nước Đông Nam Á chuyên sản xuất nhựa Vinyl vừa phối hợp với Nhóm nghiên cứu thuộc Tổng cục Môi trường tổ chức trao đổi kinh nghiệm về hệ thống nhãn xanh giữa Việt Nam và Thái Lan.

Bà Nguyễn Thu Hà - đại diện Văn phòng Nhãn xanh Việt Nam thuộc Tổng cục Môi trường - cho biết, Chương trình nhãn xanh Việt Nam nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất và thiết kế sản phẩm theo hướng giảm các tác động có hại tới tài nguyên và môi trường. Qua đó, tạo lập thị trường bền vững cho sản phẩm thân thiện với môi trường.

Các doanh nghiệp có sản phẩm đủ điều kiện được dán nhãn xanh sẽ được các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước ưu tiên mua, nhất là để phục vụ nhu cầu mua sắm công. Những doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm có dán nhãn xanh sẽ được miễn thuế xuất khẩu và được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, các sản phẩm dán nhãn xanh sẽ được hỗ trợ giá.

Hiện nay, Việt Nam có tới 14 tiêu chí và nhóm sản phẩm được gợi ý dán nhãn xanh nhưng mới có 3 công ty được dán nhãn xanh là Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Công ty Sơn Jotun Việt Nam, Công ty Fuji Xerox Việt Nam. Đây là một con số quá ít. Trong khi đó, tại Thái Lan, việc dán nhãn xanh cho các sản phẩm đã có từ lâu và được làm rất tốt. Ông Sirithan Pairoj - Boroboon, đại diện tư vấn nhóm nghiên cứu nhãn xanh thuộc Học viện Môi trường Thái Lan cho biết, từ năm 1997 - 2014, Thái Lan đã gia tăng từ 14 tiêu chí lên 97 tiêu chí nhãn xanh. Năm 2015, dự kiến sẽ tăng lên 103 tiêu chí để xét chuẩn dán nhãn. Hiện có 27 nhóm ngành sản phẩm của 82 công ty tại Thái Lan đủ điều kiện và được chứng nhận sản phẩm nhãn xanh.

Cần làm rõ nguồn gốc xuất xứ

Ông Khương Trung Thủy - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina - chuyên sản xuất các sản phẩm bột nhựa PVC - cho biết, hiện trên thế giới nhất là Trung Quốc vẫn còn sản xuất bột nhựa từ than đá. Hình thức sản xuất này dùng thủy ngân làm chất phụ gia, dẫn tới phát thải thủy ngân ra môi trường trong quá trình sản xuất và trong suốt vòng đời của sản phẩm. Sản xuất bột nhựa đi từ dầu hỏa thì giá thành đắt hơn nhưng không dùng phụ gia này. Hiện TPC Vina cùng với nhà máy nhựa Phú Mỹ dùng công nghệ sản xuất bột nhựa từ dầu hỏa.

Thực tế, sản phẩm dán nhãn xanh có lợi ích rất lớn cho chính doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng và cả môi trường. Tại sao, Việt Nam mới chỉ có 3 doanh nghiệp biết đến và thực hiện chương trình này. Theo ông Thủy, tổ chức nhãn xanh Việt Nam vừa mới thành lập, các doanh nghiệp có rất ít thông tin về chương trình này. Bản thân TPC Vina có được kiến thức và kinh nghiệm về nhãn xanh là do từ Công ty CP Nhựa và Hóa chất Thái Lan (đối tác đầu tư của TPC Vina). Từ kinh nghiệm của Thái Lan, chúng tôi nghĩ các DN Việt rất nên áp dụng vì lợi ích đem lại thấy rõ. Ông Thủy chia sẻ.

Người tiêu dùng Việt Nam chưa có thông tin về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Lấy ví dụ, cùng là một loại màng bọc thực phẩm được bày bán trong siêu thị, cùng do Việt Nam sản xuất, người tiêu dùng thấy chữ “Made in Vietnam” là an tâm chọn mua. Thế nhưng, cái màng bọc thực phẩm ấy rất có thể được sản xuất từ hạt nhựa nhập từ Trung Quốc vì được sản xuất từ than đá có giá rẻ hơn sản xuất từ dầu mỏ là 50 đô la Mỹ/tấn. Vì thế, việc phải đưa ra xuất xứ của sản phẩm trên bao bì là rất cần thiết. Các đại biểu cũng kiến nghị, cần sự vào cuộc và phối hợp của các cơ quan nhà nước để bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng.

Nguồn: Báo công thương, ngày 23/3/2015

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn