Bề mặt tự làm sạch nhờ loại sơn mới
3:11 CH,19/03/2015

Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Hoàng gia London, Anh và Đại học công nghệ Đại Liên, Trung Quốc đã chế tạo được loại sơn tạo nên những bề mặt tự làm sạch với nhiều ứng dụng thực tế. Lớp sơn khi được kết hợp với các chất kết dính, vẫn duy trì khả năng tự làm sạch sau khi được lau chùi, cạo bằng dao và làm xước bằng giấy nhám.

 Bề mặt tự làm sạch hoạt động bằng cách chống thấm nước mạnh nhưng thường mất đi khả năng này khi bị hư hại hoặc tiếp xúc với dầu. Sơn mới tạo ra bề mặt đàn hồi tốt hơn đồng thời  chống mài mòn và trầy xước do hoạt động thường nhật, do đó, có thể được dùng cho một loạt ứng dụng thực tế từ quần áo đến ô tô.

 Yao Lu, một trong các tác giả nghiên cứu cho biết: Khả năng chống thấm nước cho phép vật liệu tự làm sạch vì nước tạo thành các giọt nhỏ lăn trên bề mặt, hoạt động như máy hút bụi nhỏ thu gom bụi bẩn, vi rút và vi khuẩn trên đường đi của nó. Để làm được điều này, bề mặt cần phải thô ráp và giống như sáp. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã chế tạo loại sơn mới và kết hợp với các chất kết dính khác để giúp bề mặt chịu được hư hại.

 Sơn mới được làm từ các hạt nano titan dioxit tráng mang đến cho nhiều loại vật liệu thuộc tính tự làm sạch, thậm chí trong và sau khi nhúng vào dầu và sau khi bề mặt bị hư hại.

 Tùy thuộc vào từng loại vật liệu, các phương pháp khác nhau được áp dụng để tạo ra các bề mặt chống thấm nước. Ví dụ, ống phun được dùng để phủ thủy tinh và thép, lớp phủ nhúng cho bông xơ và ống tiêm phủ sơn lên giấy.

 Tất cả các vật liệu có khả năng chống thấm nước và tự làm sạch khi những giọt nước kích thước khác nhau lăn tròn loại bỏ bụi bẩn mà không làm ướt bề mặt. Các thuộc tính đó của bề mặt vẫn được duy trì sau khi bề mặt bị hư hại. Ngoài ra, sơn cũng hoạt động rất hiệu quả trên nhiều bề mặt trong những điều kiện khắc nghiệt mô phỏng sự ăn mòn và trầy xước của vật liệu trên thực tế.

 Các thí nghiệm đã cho thấy hoạt động của bề mặt được xử lý như bông xơ được nhúng vào nước màu xanh, nhưng khi nổi lên vẫn trắng sạch không có dấu hiệu nhiễm bẩn, còn giấy sau khi cho tiếp xúc với bụi bẩn vẫn khô và sạch.

 GS. Claire Carmalt, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Thách thức lớn đối với ứng dụng phổ biến của các bề mặt tự làm sạch là tìm cách tăng độ bền đủ để chúng có thể chịu được hư hại hàng ngày. Các bề mặt có xu hướng suy yếu cơ học nên dễ bị trầy xước, nhưng bằng cách kết hợp sơn với các chất kết dính khác, chúng tôi có thể tạo ra bề mặt tự làm sạch bền lâu. Chúng tôi đã sử dụng các vật liệu sẵn có, do đó, phương pháp mới này có thể được mở rộng cho các ứng dụng công nghiệp”.

Nguồn: NASATI, ngày 19/3/2015

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn