Tìm công nghệ tuyển và chế biến quặng Liti
3:33 CH,25/02/2015

Nhằm xác lập quy trình công nghệ tuyển phù hợp để nâng cao tối đa hàm lượng Li2O trong quặng tinh làm nguyên liệu nghiên cứu công nghệ điều chế các hợp chất của Liti (Li) như Li2CO3 và LiCl, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học và công nghệ mỏ - Luyện kim(VIMLUKI) đã tiến hành nghiên cứu công nghệ tuyển và chế biến quặng Li vùng La Vi tỉnh Quảng Ngãi.

Theo nhóm nghiên cứu, thành phần khoáng chứa Li (lepidolit) và các khoáng đi kèm thuộc nhóm alumosilicate và silicat có tính chất vật lý tương tự nhau. Do vậy, công nghệ tuyển quặng Li vùng La Vi là công nghệ tuyển nổi tách khoáng mica chứa Li ra khỏi các khoáng đi kèm như thạch anh, fenspat. Nhóm đã sử dụng phương pháp thu thập, phân tích, đánh giá thông tin về tổng quan công nghệ tuyển quặng Li trong và ngoài nước; sử dụng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm trong phòng để xác định thành phần vật chất và công nghệ tuyển hợp lý nhằm thu hồi quặng tinh Li. Công tác nghiên cứu công nghệ tuyển và điều chế LiCl, Li2CO3 được thực hiện tại các phòng thí nghiệm tuyển khoáng và thủy luyện của VIMLUKI, trên các thiết bị: máy đập hàm, sàng rung, máy nghiền bi, máy khuấy thuốc, máy tuyển nổi (Denver, Mekhanobr), lò nung, máy khuấy điều khiển tốc độ, máy lọc chân không, tủ sấy chân không, hệ thống ổn nhiệt, thiết bị đo pH, máy ly tâm 4.000 vòng/phút, cốc thủy tinh có dung tích 1.000 ml, 3.000 ml, 5.000 ml và thùng 30lít, bao nung.

Từ nghiên cứu công nghệ tuyển, nhóm nghiên cứu đã xác định được giá trị tối ưu của các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tuyển nổi quặng Li như độ mịn nghiền, pH môi trường tuyển, tỷ lệ rắn/lỏng (R/L), mức chi phí thuốc đè chìm, thuốc tập hợp, thời gian khuấy tiếp xúc thuốc tuyển, thời gian tuyển nổi. Sơ đồ tuyển nổi đề xuất gồm một khâu tuyển chính, tuyển vét và 3 khâu tuyển tinh.

Quy trình công nghệ và các điều kiện, chế độ tuyển hoạt động ổn định, khẳng định phương pháp tuyển nổi phù hợp và có hiệu quả đối với đối tượng quặng Li vùng này. Quặng tinh Li sau 2 lần tuyển tinh nhận được hàm lượng Li2O là 4.03%, với thực thu là 87.61%, chỉ còn khoảng 12% Li có trong quặng nguyên khai bị mất theo quặng thải. Đồng thời, việc nghiên cứu công nghệ này đã thành công và  xác lập được quy trình các điều kiện và chế độ công nghệ phù hợp để điều chế ra các sản phẩm Li2CO3 và LiCl có chất lượng tương đương với các sản phẩm thương mại cùng loại trên thị trường quốc tế. Với những điều kiện và chế độ công nghệ điều chế hợp chất của Li tối ưu xác lập qua các thí nghiệm đã thu được sản phẩm Li2CO3 có hàm lượng 99.05%, với mức thực thu đạt 82.97%; sản phẩm LiCl có hàm lượng 99.02%, với mức thực thu đạt 85.77%.

Cũng trong khuôn khổ đề tài, nhóm đã tiến hành nghiên cứu công nghệ điều chế Li2CO3 và LiCl từ quặng gồm các bước: chiết tách Li từ quặng vào dung dịch; loại bỏ các tạp chất trong dung dịch chứa Li; kết tinh Li2CO3 từ dung dịch sạch chứa Li, điều chế LiCl từ Li2CO3 thu được.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu được thực hiện ở quy mô thí nghiệm khối lượng mẫu nhỏ, cần thực hiện các nghiên cứu ở quy mô lớn và chi tiết hơn để bảo đảm tính khả thi khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất, cũng như những nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm từ Li vào các ngành công nghiệp khác.

Nguồn: Báo công thương, ngày 13/2/2015
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn