Ảnh hưởng của số liệu gió vệ tinh đến dự báo mưa thời kỳ bùng nổ gió mùa Nam Bộ
3:28 CH,25/02/2015

Nhóm nghiên cứu Bùi Thị Tuyết, Phạm Thị Minh, Trường Đại học Tài nguyên và Môi TrườngTP.HCM, Phùng Thị Vui, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương đã khảo sát sự ảnh hưởng của số liệu gió vệ tinh đến dự báo mưa thời kỳ bùng nổ gió mùa Nam Bộ năm 2005. Kết quả cho thấy, sau khi số liệu gió vệ tinh được đồng hóa trên các mực của mô hình bằng lọc Kalman tổ hợp, các quá trình vật lý quy mô lưới, đối lưu được mô phỏng tốt hơn. Đặc biệt là sự dịch chuyển của rãnh thấp xích đạo và cấu trúc áp cao cận nhiệt đới tây Thái Bình Dương được mô phỏng sát với thực tế. Vì vậy lượng mưa tích lũy 1 ngày, 2 ngày và 3 ngày do mô hình dự báo gần với quan trắc hơn. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy số liệu vệ tinh ảnh hưởng tích cực đến khả năng dự báo mưa.

Số liệu quan trắc gió vệ tinh là một nguồn số liệu đặc biệt quan trọng đối với các mô hình dự báo chạy nghiệp vụ trên thế giới, với độ phủ sóng toàn cầu và thời gian thu thập số liệu trong vòng từ 3 - 6 giờ phụ thuộc vào đặc tính của từng vệ tinh. Số liệu gió vệ tinh cho phép biết được tình trạng động lực của khí quyển, góp phần bổ sung thông tin cho trường ban đầu của mô hình dự báo bằng đồng hóa số liệu. Hiện nay, số liệu gió vệ tinh được tiền xử lý bởi tổ chức hợp tác nghiên cứu vệ tinh khí tượng Trường đại học Wisconsin trong cùng khoảng thời gian đã chọn. Một số nghiên cứu với số liệu CIMSS-AMV đã chỉ ra số liệu này có thể giúp cải thiện chất lượng dự báo của các hệ thống quy mô trung bình khác nhau.

Nguồn: Khoa học phổ thông, ngày 22/2/2015
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn