Nghiên cứu đánh giá rủi ro do các hợp chất gây rối loạn nội tiết (EDCs) đến nguồn nước và đề xuất các giải pháp giảm thiểu EDCs
1:19 CH,25/12/2014

Để tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro do các hợp chất gây rối loạn nội tiết (EDCs) đến nguồn nước và đề xuất các giải pháp giảm thiểu EDCs” do PGS.TS Nguyễn Tấn Phong, PGS.TS Đỗ Hồng Lan Chi - Trường Đại học Bách khoa  TP.HCM làm chủ nhiệm.

Các hợp chất gây rối loạn nội tiết (Endocrine Discrupting Compounds – EDCs) thải ra môi trường từ các hoạt động của con người, có khả năng gây tác hại đến hệ thống nội tiết của con người và động vật, tuy nhiên, chưa được đánh giá, kiểm soát chặt chẽ. Đề tài này khảo sát sự hiện diện một số hợp chất EDCs trong nước sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, đánh giá rủi ro và đề xuất các giải pháp giảm thiểu các hợp chất này, đảm bảo an toàn cấp nước cho TP. HCM.

Phần lớn trong số 11 EDCs lựa chọn khảo sát (atrazine, E2, E3, NDMA, BPA, OP, OPE3, OPE2, NP, NPE3 và NPE2) đều hiện diện trong mẫu nước mặt sông Sài Gòn và Đồng Nai, ngay cả ở các hồ thượng nguồn như Dầu Tiếng và Trị An. Các EDCs có khuynh hướng tăng dần về phía hạ nguồn. Tổng hàm lượng EDCs cao nhất tại Phú Cường, hạ nguồn trạm bơm Hòa Phú, kế đến là kênh rạch nội thành TP. HCM.

Nước thải đã qua xử lý của các khu công nghiệp vẫn có sự hiện diện của các EDCs, tuy nhiên nồng độ đều dưới ngưỡng quy định của USEPA (Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ) hoặc EU. Trong khi đó, nước thải từ các doanh nghiệp sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp như các nhà máy tinh bột khoai mì, cao su, chăn nuôi heo, do hiệu quả của các trạm xử lý chưa kiểm soát tốt nên hàm lượng EDCs còn cao.

Thực nghiệm công nghệ PAC - MF (than hoạt tính dạng bột - màng vi lọc) thay cho bể lọc cát nhanh của Nhà máy nước Tân Hiệp và thay thế ozone cho khử trùng trước bể chứa nước sạch có thể làm tăng hiệu quả khử EDCs và giảm thiểu sự hình thành DBPs (sản phẩm phụ sau quá trình khử trùng). Kết quả thực nghiệm cũng cho thấy, với thời gian lưu nước khoảng 2 giờ, hàm lượng PAC = 50 mg/L và thông lượng màng MF = 15 LMH thì hiệu quả xử lý NPEn có thể đạt 97%. Quá trình ozone hóa cho thấy hiệu quả khử NPEn cao (94%) ở pH cao = 9,0.

Nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp kiểm soát nhiễm EDCs trong nguồn nước thô phục vụ cấp nước bao gồm chính sách và chương trình hành động đánh giá an toàn EDCs trong quản lý hóa chất sử dụng trong sinh hoạt và công nghiệp, về cấp nước an toàn liên quan đến EDCs và DBPs; đề xuất áp dụng giá trị độc tính toàn phần của nước thải để kiểm soát các nguồn thải có EDCs ở phía thượng nguồn các điểm lấy nước. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các phương án cụ thể cho Nhà máy nước Tân Hiệp như giảm thiểu lượng chlorine sử dụng đến mức tối thiểu, kết hợp khử Fe, Mn, DOC và EDCs; hạn chế lượng chlorine sử dụng so với hiện tại và khử EDCs bằng bể lọc sinh học và cột lọc GAC.

Nguồn: STINFO Số 12/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn