Nghiên cứu nhãn sinh thái: Hướng dệt may đến sản xuất, tiêu dùng sản phẩm xanh
10:52 SA,24/12/2014

Nghiên cứu đánh giá nhu cầu, đề xuất các giải pháp gắn nhãn sinh thái cho sản phẩm dệt may phù hợp với trình độ công nghệ trong nước là nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia thuộc Đề án “Thực thi Hiệp định rào cản kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011-2015”.

Không chỉ là ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, dệt may còn là một trong mười mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước (năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này dự kiến vượt ngưỡng 22 tỷ USD).  Mặt hàng này đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật… Cho đến nay, EU là thị trường hạn ngạch quan trọng nhất đối với ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên EU cũng là một trong những thị trường đòi hỏi nghiêm ngặt các yêu cầu về môi trường. Ngoài ra, hàng dệt may cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ phía Trung Quốc. Đặc biệt, từ khi Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới WTO, việc xóa bỏ hạn ngạch và cạnh tranh tự do giữa các nước thành viên càng làm cho tốc độ tăng trưởng của ngành hàng này bị giảm.

Bên cạnh những sức ép các đối tác nước ngoài, ngành dệt may còn chịu sức ép về môi trường do quá trình sản xuất sử dụng hàng loạt hóa chất độc hại. Những vấn đề chính có liên quan đến công nghiệp dệt may là do việc xả các dòng thải thông qua xử lý, phát thải khí, mùi, tiếng ồn và tính an toàn của môi trường làm việc. Do vậy, để hàng dệt may Việt Nam vẫn có thể tồn tại được trên thị trường quốc tế thì việc áp dụng nhãn sinh thái là việc làm đúng đắn và cần thiết.

Trước yêu cầu đó, nhóm nghiên cứu của Viện Dệt may do đã nghiên cứu đề tài đánh giá nhu cầu gắn nhãn sinh thái cho sản phẩm dệt may Việt Nam, đề xuất các giải pháp gắn nhãn sinh thái phù hợp với trình độ công nghệ trong nước. Mục tiêu nhằm thúc đẩy ngành dệt may chuyển sang sản xuất xanh và tiêu dùng sản phẩm xanh; góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản xuất xanh và sản phẩm dệt may xanh; tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước trong thúc đẩy và quản lý sản xuất dệt may thân thiện với môi trường; chuẩn bị cho việc triển khai chương trình nhãn sinh thái cho sản phẩm dệt may Việt Nam.

Theo đó, từ tháng 10/2013 đến tháng 12/2014, nhóm đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động môi trường do ngành dệt may gây ra; đánh giá xu hướng tiêu dùng sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường; phân tích đánh giá các chương trình nhãn sinh thái dệt may phổ biến trên thế giới; các yêu cầu môi trường của một số nhà nhập khẩu lớn trên thế giới đối với sản phẩm dệt may. Dự thảo các tiêu chí sinh thái cho sản phẩm dệt may, quy trình gắn nhãn sinh thái. Dự kiến, dự thảo sẽ được ứng dụng trong năm 2015. Theo đó, Quy trình gắn nhãn sinh thái cũng có thể sẽ được ứng dụng trong năm 2016.

Thực hiện gắn nhãn sinh thái cho sản phẩm dệt may sẽ góp phần giảm tác động xấu của sản xuất dệt may tới môi trường, nâng cao hiệu quả môi trường và năng lực sản xuất thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp; tăng tính cạnh tranh của hàng may mặc Việt Nam; cải thiện hình ảnh doanh nghiệp sản xuất dệt may dưới góc độ môi trường và an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng.

Nguồn: Báo công thương, ngày 23/12/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn