Giúp người khiếm thị xài điện thoại thông minh
4:31 CH,23/12/2014

Sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) lâu nay vẫn là niềm mơ ước của người khiếm thị vì họ không thể dùng tay sờ là hiểu các chương trình.

Một ứng dụng bằng tiếng Việt đầu tiên được xây dựng trên nền tảng Android đã giúp họ biến ước mơ thành sự thật.

Ứng dụng do nhóm nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (AILab) Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện theo đơn đặt hàng của Bộ Thông tin và truyền thông, vừa được nghiệm thu cấp cơ sở vào ngày 19-12.

 “Tin nhắn, Internet, điện thoại, ứng dụng” - vừa sờ vào màn hình một chiếc smartphone có cài đặt ứng dụng của nhóm nghiên cứu thuộc AILab, lập tức chúng tôi được nghe giọng đọc chuẩn Hà Nội đọc ngay các chương trình có sẵn trên chiếc điện thoại này để chọn lựa.

Tay chạm và dừng lâu ở chương trình nào thì chương trình đó sẽ “lên tiếng” để người dùng chỉ cần nghe là có thể lướt tiếp. Mắt nhắm lại, chúng tôi tiếp tục lướt vào phần ứng dụng thì smartphone tiếp tục “lên tiếng”: “bộ sưu tập - chrome- danh bạ - sách điện tử - truyện cổ Việt Nam...”.

Cứ thế, khi tiến vào mục “sách điện tử”, những tên sách lại được xướng lên để người dùng điện thoại có thể chọn lựa bằng tai. Lướt đến đâu, người dùng smartphone được “đọc” đến đó giống như có một người “am hiểu” mọi ngôn ngữ của điện thoại đang hướng dẫn vậy.

PGS.TS Vũ Hải Quân - trưởng phòng thí nghiệm AILab, chủ nhiệm đề tài - cho biết để tạo ra được “người am hiểu” đó, nhóm phải xây dựng dữ liệu âm thanh với bối cảnh ngữ điệu đa dạng, phủ hơn 7.000 âm tiết tiếng Việt.

Ngoài ra nhóm còn tiến hành thu âm thêm 1.357 từ tiếng Anh thường gặp trên điện thoại di động và 939 âm tiết tiếng Việt không dấu hỗ trợ thêm cho trường hợp ghép nối.

“Người am hiểu” đọc vanh vách các văn bản, ký tự, chương trình trên smartphone hệ điều hành Android đó chính là Bộ đọc Phương Nam (VOS) với khả năng đọc được các loại số, ký hiệu khoa học, từ viết tắt, từ tiếng Việt không dấu và các từ tiếng nước ngoài thông dụng (như tiếng Anh dùng trong tin học).

VOS là sản phẩm tổng hợp tiếng nói đầu tiên tạo ra giọng nói nhân tạo tiếng Việt được chuyển thể lên nền tảng di dộng, hỗ trợ các phần mềm đọc màn hình của Android.

ThS Trần Minh Trường, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết tất cả các định dạng như dạng số, từ viết tắt, tên riêng, tiếng nước ngoài, các ký hiệu đặc biệt... đều được chuyển đổi thành dạng đầy đủ, chính xác khi “nạp vào đầu” của VOS.

Thậm chí, để VOS không gặp bất cứ trở ngại nào trong đọc chương trình trên smartphone, nhóm nghiên cứu đã phải xây dựng dữ liệu từ điển viết tắt bao gồm 3.602 từ và một từ điển phiên âm thủ công 7.250 từ nước ngoài.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người khiếm thị. Hiện tại người khiếm thị chủ yếu chỉ dùng điện thoại với chức năng nghe, gọi thông thường.

ThS Hồ Minh Nhật, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết bộ đọc VOS này có thể dùng được trên 80% các loại smartphone đang được sử dụng rộng rãi, giải quyết các vấn đề thường gặp của người khiếm thị khi sử dụng smartphone.

Vì sao nhóm nghiên cứu lại chọn phát triển VOS trên Android trước nhất? PGS.TS Vũ Hải Quân giải thích về thị phần, hiện tại Android đang dẫn đầu với 81,3%, tiếp đó là iOS 13,4%, Windows Phone 4,1%, BlackBerry 1%...

“Nhóm muốn làm ra một sản phẩm mà tất cả người khiếm thị cần dùng đều có thể tiếp cận được” - PGS.TS Quân nói.

“Ban đầu chúng tôi chỉ thực hiện một phiên bản cho cấu hình cao (những smartphone có hai nhân trở lên), nhưng khi thử vào những điện thoại có cấu hình thấp thì bộ đọc chạy rất chậm, rất yếu. Vì thế, chúng tôi đã tối ưu hóa lại chương trình để thực hiện thêm một phiên bản cho các smartphone cho cấu hình thấp (1 nhân)” - ThS Hồ Minh Nhật chia sẻ.

Đã từng sử dụng bộ đọc VOS, ông Nguyễn Quốc Phong, giám đốc mái ấm Thiên Ân (TP.HCM), cho biết: “Bộ đọc có ngữ điệu rất hay, dường như lướt smartphone đến đâu tôi được chỉ dẫn đến đó. Giờ đây tôi thấy không có trở ngại nào của người khiếm thị trong việc dùng smartphone bằng tiếng Việt nữa”.

Ông Phong cũng hi vọng nhóm nghiên cứu có thể tiếp tục nghiên cứu để đưa ra một bộ đọc trên smartphone hệ điều hành iOS (iPhone) vì hiện nay Apple chưa có kế hoạch nào trong việc hỗ trợ chương trình tiếng Việt dù có hỗ trợ tiếng Anh và một số thứ tiếng khác.

Nguồn: Khoa học phổ thông, ngày 23/12/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn