Máy làm móc áo tự động
4:46 CH,19/12/2014

Máy do nhóm sinh viên Nguyễn Văn Binh, Nguyễn Minh Triết, Bùi Tiến Công - Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM chế tạo, rất tiện dụng, hiệu quả hơn so với các loại máy nhập khẩu cùng loại...

Máy hoạt động dựa vào việc biến các chuyển động tịnh tiến ra vào của xy lanh thành chuyển động quay của khuôn ép làm biến dạng phôi thành hình dạng đã làm sẵn trên khuôn. Các chuyển động của khuôn ép cần có hành trình vừa đủ để tránh việc lực ép làm gãy hay cong các bộ phận khác. Khi đã đặt phôi vào máy, nhấn nút khởi động (start) thì phôi được kẹp chặt, sau đó khuôn sẽ uốn tạo hình và kẹp chặt phần đã uốn để giữ nếp lần lượt bên trái rồi đến bên phải. Một xy lanh khác sẽ đưa động cơ xuống để tạo xoắn ốc, rồi xy lanh đó mang động cơ về vị trí cũ và bước cuối cùng là uốn tạo hình phần móc để treo.

Nói về tính ứng dụng của đề tài, đại diện nhóm tác giả, bạn Nguyễn Minh Triết cho biết, tự động hóa là một quá trình cho phép giảm giá thành sản phẩm, giảm sức lao động của con   người, nâng cao năng suất lao động. Nhóm quyết định chọn đề tài này vì những lý do trên, ngoài ra, việc chế tạo khung sườn cơ khí và áp dụng những kiến thức đã học ở phần lý thuyết vào máy cũng tương đối đơn giản. Do đó việc chế tạo rộng rãi máy cũng trở nên dễ dàng hơn.

Về ưu điểm nổi bật của máy, cũng theo bạn Minh Triết, trước đây với hoạt động uốn thủ công, khi làm việc thì phôi được uốn chủ yếu bằng tay hoặc các dụng cụ hỗ trợ như: kìm, kẹp, thước... Điều này khiến cho sản phẩm làm ra  phụ thuộc khá nhiều vào trình độ của công nhân, sản phẩm thường không đồng đều về hình dáng và kích thước, dễ sinh phế phẩm. Thì nay, với việc áp dụng máy uốn móc này, toàn bộ quátrình uốn móc đều được thực hiện tự động theo thứ tự, hình dáng, kích thước đã định trước. Công nhân chỉ cần cấp phôi và nhấn nút, như vậy vai trò của công nhân đã giảm rất nhiều, sản phẩm sinh ra có sự đồng đều cao.

Tham dự giải “Thiết kế, chế tạo, ứng dụng lần II - năm 2014”, do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM tổ chức, sản phẩm của nhóm đã nhận được sự quan tâm của hội đồng chuyên môn và đã đoạt huy chương đồng. Một vài tiêu chí đề ra mà nhóm đã làm được, đó là: máy làm việc với độ tin cậy cao, có kích thước nhỏ gọn, dễ thiết kế; các thiết bị và nguyên liệu dễ tìm, giá thành phù hợp với sinh viên; cơ cấu làm việc chính xác, đơn giản, đảm bảo an toàn cho người vận hành máy. Về phương hướng phát triển trong thời gian tới, nhóm tác giả cho rằng cần phải tính toán khoảng cách và gia công các bề mặt để tránh tiếng ồn.

Nguồn: Khoa học phổ thông, ngày 9/12/2014
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn